Nga tiếp tục siết khí đốt, Châu Âu nỗ lực chống chọi

Đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 chạy dưới biển Baltic dẫn khí đốt từ Nga tới châu Âu vừa chính thức đóng cửa trong 3 ngày để bảo trì. Đây không phải là diễn biến mới từ Nga, nhưng tiếp tục giáng một đòn mạnh lên châu Âu, vốn đang phải oằn mình tìm kiếm các biện pháp chống chọi để chuẩn bị cho mùa đông lạnh giá sắp tới.

Việc đóng cửa Dòng chảy phương Bắc 1 khiến các nỗ lực tiết kiệm đủ khí đốt để vượt qua những tháng mùa đông trên khắp châu Âu trở nên khó khăn hơn, trong bối cảnh các nước châu Âu lo ngại Nga có thể ngừng cung cấp khó đốt hoàn toàn.

NỖ LỰC CHỐNG CHỌI VỚI CƠN KHÁT NĂNG LƯỢNG

Bỉ là quốc gia mới nhất đưa ra một loạt các biện pháp trong nỗ lực giải quyết bài toán thiếu hụt năng lượng, bao gồm việc cắt giảm mức tiêu thụ điện của các tòa nhà công cộng và đề xuất đánh thuế lợi nhuận của các công ty năng lượng trong nước..

Thủ tướng Bỉ ALEXANDER DE CROO: "Trong giai đoạn này, điều quan trọng là phải xem làm thế nào để giảm tiêu thụ năng lượng. Đó là một sứ mệnh đòi hỏi sự tham gia của tất cả chúng ta. Những dòng sông nhỏ sẽ góp lại thành một dòng chảy lớn".

Đức, Pháp, Tây Ban Nha… cũng chủ động đưa ra nhiều biện pháp tương tự. Nhưng sự hạn chế khí đốt mới nhất mà Nga áp đặt có thể sẽ tiếp tục làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu lục này, vốn đã gây ra mức tăng 400% giá khí đốt bán buôn, khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp lao đao và buộc các chính phủ phải chi hàng tỷ USD để giảm bớt gánh nặng.

Các nhà phân tích tại Goldman Sachs cho biết, nếu hoạt động của Dòng chảy phương Bắc 1 không được nối lại sau ngày 2/9 như kế hoạch mà tiếp tục kéo dài sẽ tạo ra áp lực chính trị lên châu Âu cao hơn nữa.

Trên thực tế, đến thời điểm này, tất cả các biện pháp mà châu Âu đưa ra để đối phó với việc thiếu hụt nguồn cung khí đốt từ Nga đều chưa hiệu quả. Nỗi lo ngại về một mùa đông lạnh giá vẫn đang hiện hữu trên khắp châu Âu.

Anh Tuấn