Nếu Quỹ bình ổn giá xăng dầu hết, sẽ sử dụng thuế phí, quỹ an sinh để kìm giá xăng

Trả lời chất vấn của ĐBQH, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính để điều hành linh hoạt, sử dụng hiệu quả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Qua đó biên độ tăng giá xăng dầu Việt Nam từ 29-40%, thấp hơn so với thế giới 40-60% tùy mặt hàng. Tuy nhiên, dư địa điều chỉnh của Quỹ bình ổn giá không còn nhiều nên phải sử dụng thêm các công cụ khác như thuế phí để kìm giá xăng.

Nhiều ý kiến chất vấn về giải pháp điều hành xăng dầu trong bối cảnh giá xăng dầu cơ sở trên thị trường thế giới ở kỳ điều hành giá gần đây có biến động khá lớn so với thời điểm đầu năm 2022, cụ thể từ từ khoảng 44 - 60%.

Bà TRẦN THỊ THANH HƯƠNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Có ý kiến cho rằng Bộ cần thay đổi cách điều hành giá xăng dầu. Bộ trưởng có ý kiến như thế nào về vấn đề này và Bộ Công thương có giải pháp căn cơ gì để điều hành, bình ổn giá xăng dầu

Ông NGUYỄN HỒNG DIÊN, Bộ trưởng Bộ Công thương: “Thị trường trong nước và thị trường thế giới như bình thông nhau, để giảm biên độ biến động giá xăng dầu thời gian qua là nhờ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Trong bối cảnh thực hiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của nhà nước thì việc duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu là vô cùng quan trọng. Nhưng quỹ này có hạn, hiện còn khoảng trên dưới 600 nghìn tỷ đồng, trong khi đó có doanh nghiệp nhập khẩu âm quỹ này rất lớn. Thời gian tới phải tăng quy mô Quỹ bình ổn giá.”

Trả lời cho câu hỏi về các giải pháp khác ngoài quỹ bình ổn giá, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết hiện Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính đã đề nghị Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị quyết đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giảm thuế bảo vệ môi trường.

Ông NGUYỄN HỒNG DIÊN, Bộ trưởng Bộ Công thương:Nếu khi giá thế giới tăng cao sẽ tiếp tục sử dụng các loại thuế, phí khác. Hết công cụ thuế, phí mà vẫn không ổn, trong khi giá thế giới cao thì giá trong nước cũng sẽ tăng cao. Để kìm giá, giữ chỉ số CPI, đối tượng dễ tổn thương không khó khăn hơn, thì các bộ ngành, cơ quan hữu quan sẽ đề nghị Chính phủ sử dụng các quỹ an sinh xã hội hỗ trợ từ ngân sách để hỗ trợ đối tượng yếu thế, hoặc hỗ trợ chính sách thuế với doanh nghiệp sử dụng nhiều xăng dầu.

Bà VŨ THỊ LƯU MAI, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội:ối với xăng dầu đã mua dữ trữ bắt buộc theo quy định đã chịu mức thuế BVMT hiện hành là 4000 đồng/lít nhưng nếu bán ra sau thời điểm giảm thuế, chắc chắn doanh nghiệp sẽ phải chịu lỗ. Điều này là chưa phù hợp với nguyên tắc điều hành giá cả đảm bảo lợi ích các bên. Nếu như lựa chọn một sắc thuế khác sẽ không phát sinh nghịch lý này. Vì vậy, việc dùng công cụ thuế để điều chỉnh giá cả trong một số trường hợp là cần thiết.Tuy nhiên lựa chọn sắc thuế nào thì Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính để đưa ra giải pháp hợp lý."

Ông HỒ ĐỨC PHỚC, Bộ trưởng Tài Chính:Bộ Tài chính và Bộ Công thương sẽ tham mưu cho Chính phủ và tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số giải pháp trước mắt để đảm bảo nguồn cung; chống buôn lậu xăng dầu và giảm thuế BVMT. Lựa chọn thuế BVMT là do thuế này thuộc thẩm quyền của UBTVQH nên khi quyết định sẽ nhanh hơn. Chúng ta sẽ có những giải pháp linh hoạt để cho giá giảm, đảm bảo cho sản xuất kinh doanh, phục vụ phát triển.

Trước lo ngại về việc xăng tăng giá sẽ khiến lạm phát tăng khó kiểm soát, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các lực lượng trực thuộc, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các cơ sở bán lẻ xăng dầu cố tình găm hàng tăng giá./.