Nên coi “từ chức” là văn hoá ứng xử của cán bộ đảng viên

Văn hóa từ chức đã được nhiều người, nhiều nơi kể cả trên nghị trường Quốc hội đặt ra. Tuy nhiên thực tế rất ít trường hợp sau khi bị kỷ luật hay có hạn chế về năng lực và uy tín xin từ chức.

Trước một bộ phận cán bộ đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang đặt ra yêu cầu cấp bách cần phải kịp thời thay thế cán bộ suy thoái, sa sút về phẩm chất và năng lực mà không cần chờ hết nhiệm kỳ và thời hạn bổ nhiệm để công tác cán bộ trở nên tròn khâu “có vào, có ra, có lên, có xuống”.

Thông báo số 20 của Bộ Chính trị mới đây đã thể hiện quyết tâm này- xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, liêm chính khi khuyến khích cán bộ bị kỷ luật mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức.

Số liệu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, trong 10 năm với sự nghiêm khắc trong xử lý kỷ luật đảng, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật gần 168.000 đảng viên. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Đặc biệt, tính riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng tới giữa năm nay, 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị xử lý kỷ luật, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang…

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, phân tích, lâu nay vấn đề từ chức được đặt ra nhưng nhận thức về vấn đề này chưa thật đúng, suy nghĩ nặng nề về chức quyền cho nên chưa thành nếp. Bởi vậy Thông báo số 20 của Bộ Chính trị khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức nhân được sự đồng tình hưởng ứng của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

PGS.TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: “Kỳ này theo tôi là văn bản này sẽ tạo ra bước chuyển biến mới để lựa chọn, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý để có người xứng đáng và thanh lọc, có sự hoàn thiện hơn trong cơ cấu tổ chức bộ máy. Như thế sẽ thuận lợi cho quá trình lãnh đạo, quản lý.”

Theo Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Phan Xuân Sơn: cán bộ đảng viên đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, uy tín, năng lực giảm sút nếu vẫn giữ nguyên chức vụ quản lý, lãnh đạo thì công việc cơ quan sẽ bị ảnh hưởng, trì trệ và như vậy không đúng tinh thần của Đảng. Do vậy chủ trương khuyến khích cán bộ bị kỷ luật từ chức sẽ khắc phục được khoảng trống trong thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan đơn vị-nơi có cán bộ sai phạm.

GS.TSKH PHAN XUÂN SƠN - Giảng viên Cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: “Một cán bộ đã không hoàn thành nhiệm vụ, đã mất uy tín mà đã vi phạm khuyết điểm đến mức kỷ luật mà anh còn giữ cương vị lãnh đạo quản lý thì rất khó để điều hành công việc và không chỉ khó cho bản thân anh ta mà khó cho cả cấp dưới anh ta khi chấp hành một người như vậy và đặc biệt khó cho tổ chức bộ máy, người làm tổ chức bộ máy cán bộ.
Làm thế nào để từ chức trở thành đợt sinh hoạt thường xuyên trong Đảng, trong hệ thống chính trị? Làm thế nào để thay đổi nhận thức, khơi dậy lòng tự trọng của cán bộ đảng viên, dần dần hình thành nếp quen, nếp bình thường trong xã hội về "văn hóa từ chức? Điều này đòi hỏi mỗi cán bộ đảng viên biết tự giác, lòng tự trọng và trách nhiệm nêu gương. Trao quyền lại cho người khác nếu không đủ phẩm chất, năng lực mà Đảng giao phó".

Ông NGUYỄN ĐỨC HÀ - Nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương: “Nếu cán bộ thấy năng lực của mình hạn chế, nếu thấy uy tín của mình giảm sút thì nói ít người nghe thì nếu thấy như vậy thì nên từ chức và tôi cho rằng đây cũng là thể hiện sự tự trọng của người đảng viên. Nếu đồng chí nào thấy mình như vậy mà xin từ chức tôi cũng rất chân trọng việc từ chức của cán bộ đó, thể hiện sự dũng cảm, cũng thể hiện tinh thần tự trọng và cũng là thể hiện tinh thần trách nhiệm tước Đảng trước nhân dân vì mình không đủ điều kiện không đủ khả năng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đó thì mình đề xin để nhường lại cho những đồng chí khác người ta có đủ năng lực hơn người ta tài hơn mình, người ta giỏi hơn mình người ta đảm nhiệm đó. Thì tôi cho là vừa là tự trọng nhưng nó lại là trách nhiệm của một cán bộ đảng viên".

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được. Và tư tưởng về công tác cán bộ của Người đã trở thành kim chỉ nam cho Đảng ta trong công tác xây dựng cán bộ ở giai đoạn hiện nay-khuyến khích những cán bộ bị kỷ luật, không đủ phẩm chất và năng lực tự nguyện xin từ chức. Chủ trương này một lần nữa khẳng định quyết tâm của Đảng ta là xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, liêm chính trong thời kỳ cách mạng ngày nay.

Anh Khoa