Nâng tầm phát triển nhờ ứng dụng công nghệ cao

Dù còn nhiều khó khăn nhưng trên thực tế có khá nhiều mô hình doanh nghiệp ứng dụng tốt công nghệ hiện đại vào chăn nuôi, tạo ra chuỗi giá trị bền vững. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, nỗ lực nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp lớn cũng tiên phong trong phát triển mô hình chăn nuôi công nghệ cao, khép kín.

Với nguồn bò sữa nhập khẩu từ các nước có nguồn giống tốt, cho năng suất sữa cao, chất lượng như New Zealand, Mỹ, đến nay đàn bò sữa của TH đã tiệm cận 70.000 con, có khả năng cho năng suất sữa trung bình rất đáng ngưỡng mộ: 35 lít/ con vào mùa cao điểm, tương đương 11.000 lít/con/chu kỳ 305 ngày. Hàm lượng chất béo trong sữa đạt tới 3,6 - 3,8% và hàm lượng chất đạm trên 2,7%. Dể đạt được giá trị sản xuất cao như vậy, trang trại chăn nuôi của tập đoàn TH đã chủ động ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao trong sản xuất, giúp đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm dồi dào, an toàn.

Để có được chất lượng sản phẩm đó, ngoài việc là giống bò tốt, điều quan trọng nhất là phụ thuộc vào sức khỏe của bò và công tác bảo quản sữa sau khi vắt. Ở các trại nuôi hàng nghìn con bò không thể giám sát bằng mắt thường với sức khỏe của từng con, do vậy việc gắn chíp điện tử AfiTag vào từng con bò kết nối với máy tính giúp người quản lý có thể kiểm soát sức khỏe cùng các hoạt động của bò. Nhờ đó, quản lý trang trại hay người nông dân sẽ biết cô bò sữa nào cần được quan tâm hỗ trợ ngay hoặc khám chữa bệnh kịp thời. Hệ thống vắt sữa tự động, gắn các thiết bị hiện đại, biết “từ chối” vắt sữa đối với những con bò có biểu hiện bị bệnh viêm vú trước đó bốn ngày.

Mô hình của TH là một trong số ít mô hình hoạt động hiệu quả, hiện đại, bởi để đầu tư bài bản công nghệ và sản xuất không hề đơn giản. Muốn nhân rộng nhưng mô hình này, việc hoàn thiện chính sách, khuyến khích và tạo sự đồng bộ trong toàn hệ thống là điều cần thiết.

Ngô Trang – Anh Tuấn