Nâng cao năng lực hoạt động đại biểu Quốc hội chuyên trách: Cần quy định vị thế cao hơn cho đại biểu địa phương

Chiều 30/8, tại nhà Quốc hội, Uỷ viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Ban chỉ đạo đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban chỉ đạo Đề án “Tăng cường chất lượng, nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.”  

Trong đề án trình Ban chỉ đạo, ban soạn thảo đã đưa ra các nhóm giải pháp chính để tăng cường chất lượng, nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu quốc hội. Cụ thể, nâng cao chất lượng đầu vào của đại biểu Quốc hội thông qua việc sửa đổi quy định tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội về trình độ, độ tuổi; hoàn thiện các phương thức hiệp thương, bảo đảm tính cạch tranh trong bầu cử; hoàn thiện quy hoạch đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Hỗ trợ đại biểu Quốc hội thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ, quyền hạn. Cải thiện các điều kiện đảm bảo, tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng; đổi mới việc cung cấp thông tin cho đại biểu trong và ngoài kỳ họp; nâng cao năng lực bộ máy tham mưu, giúp việc.

Cho ý kiến vào Đề án, từ thực tế hoạt động ở địa phương, nhiều đại biểu cho rằng, muốn nâng cao được năng lực hoạt động của đại biểu chuyên trách thì cần làm rõ địa vị pháp lý của đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương, sự tương quan trong hệ thống chính trị.

Ông LÃ THANH TÂN, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng: “Vị thế so sánh giữa đại biểu chuyên trách ở địa phương với các cơ quan cùng cấp, về mặt Đảng thì không bằng. Vì thế tính chất giám sát sẽ như thế nào. Thực tiễn rất khó thực hiện vai trò giám sát

Bà TRẦN THỊ HỒNG THANH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình: “Địa vị pháp lý của ĐBQH chuyên trách ở địa phương cũng không có sự khác biệt nhiều so với đại biểu kiêm nhiệm. Nếu như Đề án có thể quy định được về tiêu chuẩn của ĐBQH chuyên trách, đặc biệt là Phó Trưởng đoàn có thể quy định chức vụ về mặt Đảng cao hơn thì trong quá trình giám sát sẽ thực hiện tốt hơn.

Bên cạnh các nguồn hiện nay thì quy hoạch đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương từ các nguồn khác cũng rất cần phải tính đến.

Bà PHẠM THỊ THANH MAI, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “ĐBQH chuyên trách không giữ vị trí lãnh đạo thì có cần quy hoạch hay không? để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng. Cá nhân tôi cho là cần. Nếu là đại biểu chuyên trách mà chưa từng làm công tác dân cử …sẽ rất hoang mang giữa cả rừng nhiệm vụ. Vậy thì cần có hướng dẫn trong quy hoạch đại biểu chuyên trách không giữ vị trí lãnh đạo

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án nhấn mạnh, mỗi ĐBQH được coi là trung tâm; trong đó ĐBQH chuyên trách là hạt nhân trung tâm. Chất lượng, năng lực hoạt động của ĐBQH chính là thước đo quan trọng làm nên thành tựu, dấu ấn của Quốc hội qua mỗi nhiệm kỳ. Do đó, trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu Ban soạn thảo tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp, làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, đảm bảo chất lượng Đề án trước khi trình Đảng đoàn Quốc hội trong tháng 9. 

Dương Dung