Nâng cao hiệu quả hợp tác năng lượng tái tạo Việt Nam - Đức

Chiều 14/11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tiếp ông Santiago Rodriguez, Tham tán phụ trách phát triển, Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam và đại diện Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng đây là hoạt động thiết thực chào mừng chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng CHLB Đức đến Việt Nam. Đề cập việc chuyển dịch năng lượng công bằng đang trở thành từ khoá trong nhiều chương trình nghị sự, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Việt Nam trong COP26 đã cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Đạt được mục tiêu này đòi hỏi sự tham gia của nhiều bộ, ngành, địa phương và cần sự hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như tổ chức GIZ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo. Trong thời gian qua, một hệ thống các cơ chế, chính sách cho phát triển năng lượng tái tạo đã được xây dựng và từng bước được hoàn thiện. Trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm, Quốc hội đều có định hướng yêu cầu về giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng, xây dựng và phát triển nhanh ngành công nghiệp năng lượng tái tạo phù hợp với điều kiện và trình độ phát triển.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải mong muốn tiếp tục nâng cao hiệu quả các chương trình hợp tác mà Đức đang hỗ trợ thông qua tổ chức GIZ trong lĩnh vực năng lượng, chống biến đổi khí hậu, đào tạo nghề và tài chính xanh cho chuyển dịch công bằng; đề nghị quan tâm hỗ trợ các cơ quan của Quốc hội về kỹ thuật, chuyên gia, chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp ý kiến hoàn thiện trong quá trình sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách về năng lượng nói chung, năng lượng tái tạo nói riêng.

Tham tán phụ trách phát triển, Đại sứ quán CHLB Đức Santiago Rodriguez cho rằng đây là cơ hội để Đoàn tìm hiểu về định hướng các chương trình của Quốc hội Việt Nam trong tiến trình chuyển dịch năng lượng công bằng tại Việt Nam. Đại diện Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ cũng trao đổi về hợp tác với Quốc hội Việt Nam trong việc đạt được mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 trong bối cảnh thực hiện các cam kết bảo vệ khí hậu, chuyển dịch năng lượng công bằng.

Sỹ Cường