Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) là những cơ quan thuộc hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước, đại biểu của nhân dân. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng quá trình giám sát còn nhiều bất cập, vướng mắc cần phải có những văn bản hướng dẫn, để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa Quốc hội với HĐND các địa phương, hướng tới mục tiêu cuối cùng là hoạt động hiệu quả.
Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội luôn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với HĐND cấp tỉnh, coi đây “như cánh tay nối dài” của Quốc hội tại địa phương qua việc phối hợp tổ chức các hoạt động giám sát. Tuy nhiên, theo các đại biểu, hiện cần có hướng dẫn chi tiết hơn, nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ, khoa học; đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội với HĐND và đại biểu HĐND khi cùng thực hiện giám sát vấn đề nóng tại địa phương.
Ông NGUYỄN VĂN CÔNG, Phó Trưởng ban Pháp chế tỉnh Hưng Yên: “Nội dung chương trình kỳ họp đã được quy định trong luật rồi, tuy nhiên hiện mỗi tỉnh thường tổ chức và xây dựng chương trình nội dung, có những vấn đề không thống nhất với nhau”.
Bà LÂM THỊ HƯƠNG THÀNH, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang: “Vấn đề giám sát như thế nào, giám sát cái gì, phạm vi mức độ ở đâu thì cũng nên có hướng dẫn cho cụ thể để cho các tỉnh có sự vận dụng đồng bộ, tránh việc các ngành khác hiểu giám sát về mặt hồ sơ, về mặt sổ sách mà chỉ giám sát bằng báo cáo chẳng hạn.”
Bên cạnh đó, việc đôn đốc, giám sát, theo dõi kết quả giải quyết, khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của nhân dân và cử tri cũng còn bất cập, chậm, hiệu quả chưa cao, chủ yếu là chuyển đơn thư; công tác tiếp công dân, đôn đốc, giải quyết các đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn chủ yếu do đại biểu chuyên trách thực hiện.
Ông VŨ VĂN CÀI, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lào Cai: “Thường việc giải quyết khiếu nại đó lại không đảm bảo được về trình tự thời gian, không đảm bảo được nội dung mà cử tri đề nghị. Vấn đề người ta quan tâm mà các cơ quan trả lời mang tính chất đùn đẩy vòng vo. Cái này, khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giám sát đưa ra nội dung này thành một kết luận, tôi nghĩ việc giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri cũng như là giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo chắc chắn hiệu quả cao hơn nhiều.”
Việc tăng cường giám sát của HĐND chính là cách thức để Quốc hội có thể bảo đảm sự thống nhất trong nhận thức, hành động của các cơ quan quyền lực nhà nước; ngăn ngừa tình trạng cục bộ, sự khác nhau trong cách hiểu về pháp luật ở các địa phương. Để có thể làm được điều này, bên cạnh việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, cần tiến hành việc giám sát một cách thường xuyên, liên tục; kết hợp nhiều hình thức giám sát cũng như phát huy vai trò tối đa của các chủ thể giám sát khác bên cạnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội.