Nạn nhân của bạo lực gia đình: "Mình bộc phát kêu cứu trong giấc ngủ, trong vô thức"

Những người là nạn nhân của bạo lực gia đình, khi đã lên tiếng thì liệu có được bảo vệ quyền lợi đến cùng? Chúng ta sẽ làm gì khi chứng kiến hàng xóm mình bị bạo lực gia đình nhưng người nhà lại bao che cho hành vi vô nhân tính đó? Đây là trăn trở không chỉ của những người bị bạo lực gia đình, mà còn là trăn trở của những người xây dựng pháp luật.

Câu chuyện của 1 người phụ nữ tại Đà Nẵng bị bạo lực gia đình hơn 2 năm qua sẽ cho chúng ta thấy những góc khuất trong thực hiện phòng chống bạo lực gia đình.

NHẪN NHỤC CHỊU ĐỰNG

Khi mình nhịn, chồng mình sẽ làm tới. Nó sẽ bắt đầu chửi mắng, chì chiết và sẽ đay nghiến. Mình nhịn, mình im rồi mình đi tránh đi một chỗ khác, thì nó vẫn cứ đi theo mình.

Thêm bước nữa nếu mình vẫn tiếp tục im lặng, tức là mình nhắm mắt làm ngơ đi, coi như không nghe, không thấy thì nó sẽ lao vào nó đánh mình. Cũng giống như họ muốn xả, họ coi mình là thứ để xả, chỗ nào họ cũng đánh được, từ đầu đến chân chỗ nào cũng đánh được.

Cứ cãi vã, xô xát liên tục như vậy. Đỉnh điểm là có thể mình sẽ ăn một trận đòn, mà có thể mình sẽ phải đổ máu là điều đương nhiên. Và không chỉ là vấn đề bạo lực như thế đâu, nó còn bạo lực về tinh thần, thể chất, cả vấn đề bạo lực tình dục nữa, rất là nhiều. Thành ra để nói rằng 1 ngày, 2 ngày cho hết đau là không có. 1 năm, 2 năm hết đau cũng không có. Một khi mình đã là nạn nhân của bạo lực gia đình rồi thì nó sẽ là vết luôn. Nó không bao giờ hết. Nếu mà mình đứng trong hoàn cảnh đó, mình sẽ ám ảnh thường xuyên luôn… Đã có những lúc trong giấc ngủ của mình, mình bộc phát kêu cứu, trong giấc ngủ, trong vô thức thôi.

TIẾNG KÊU CỨU TRONG VÔ VỌNG

Nếu như chị sống trong một gia đình mà vai vế của người vợ không quen biết, không có bất cứ một mối quan hệ xã giao nào ngoài xã hội, không quen biết bất kỳ một ai đó làm lớn hoặc hỗ trợ cho mình. Ngược lại gia đình chồng chị lại quen biết rất nhiều, quen biết rất rộng. Chị tới đâu, làm gì họ đều biết. Em hỏi chị lúc đó công bằng có không? Em nói chị là không có, không hề có! Ví dụ như em xảy ra vấn đề, chồng em nhốt em ở nhà không cho em ra ngoài để kêu cứu. Và khi hàng xóm láng giềng hỗ trợ cho em bằng cách gọi cho công an, gọi người tới. Và khi tới họ không gặp được em là người bị hại, mà họ gặp gia đình chồng em và gia đình chồng em đứng ra nói là không có chuyện gì hết, anh thấy nhà tôi rất là im ắng, không có cãi vã, không có to tiếng…

RÚT ĐƠN LY HÔN, CHỊU ĐÒN ĐỂ ĐƯỢC Ở GẦN CON

Mình phải có tiền, mình phải có quen biết, mình phải nhờ được người này người kia ai đó đứng ra giúp mình thì Mình mới làm. Còn không thì em nói với chị, không bao giờ giải quyết được vấn đề đó. Đơn của mình có đi 10 năm hay 20 năm thì nó cũng chỉ là một tờ giấy lộn, nằm ở góc nào đó thôi.

Người phụ nữ này từng đơn phương ly hôn và được toà đồng ý. Nhưng gia đình chồng không chấp nhận quyết định của toà, cấm cản quyền nuôi dưỡng và thăm con. Cuối cùng, người phụ nữ này đành rút đơn, lại về chịu đòn. Vậy đâu sẽ là lối thoát cho họ, khi thứ duy nhất và lớn nhất giữ họ ở lại là quyền được ở gần để chăm sóc và nuôi dạy con cái? 

Lê Quang