Mỹ sẽ xây hàng loạt "trạm xăng" trên vũ trụ

Mới đây, Công ty công nghệ Orbit Fab của Mỹ đã đưa ra kế hoạch xây các trạm nhiên liệu vũ trụ với hy vọng công nghệ tiếp nhiên liệu sẽ giúp ngành vệ tinh phát triển hơn. Công ty này cho biết, đã được tài trợ 31.6 triệu USD để thực hiện kế hoạch của mình, theo Forbes.

Đại diện của Orbit Fab giải thích, các tấm pin mặt trời mà vệ tinh thường trang bị có thể tạo ra điện cho những thiết bị như camera hay radio, nhưng không thể giúp vệ tinh điều chỉnh vị trí trên quỹ đạo. Để giữ cho vệ tinh bay đúng đường, các chuyên gia phải thường xuyên sử dụng nhiên liệu để điều chỉnh vị trí của chúng. Do đó, tuổi thọ của vệ tinh bị giới hạn bởi lượng nhiên liệu mà chúng mang theo.

Orbit Fab lên kế hoạch phóng những bể chứa lớn lên quỹ đạo, mỗi bể chứa vài tấn nhiên liệu. Sau đó, các tàu nhỏ và vừa sẽ di chuyển qua lại giữa bể và vệ tinh để tiếp nhiên liệu.

Công ty này cho biết, khoảng 200 - 250 vệ tinh đã được thiết kế để sử dụng hệ thống của công ty. Đây là thị trường tiềm năng vì có tới 24.500 vệ tinh được lên kế hoạch phóng trong giai đoạn 2022 - 2031.

Orbit Fab đã phóng thử một bể chứa lên quỹ đạo và dự định tiến hành các thử nghiệm tiếp nhiên liệu trong thời gian tới. Năm 2019, công ty chứng minh tính khả thi của hệ thống với thử nghiệm chuyển nước trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Ngoài vệ tinh, Orbit Fab còn hướng đến việc phục vụ các trạm vũ trụ tư nhân. Công ty này cũng quan tâm đến thị trường trên bề mặt và xung quanh mặt trăng, không tập trung vào việc khai thác vật liệu mà chú trọng chuyển đổi chúng thành nhiên liệu đẩy và cung cấp cho khách hàng.

(*) Nguồn: Forbes, ISS National Lab

Lan Phương