Mỹ: Đàm phán về trần nợ công chưa đạt được thống nhất

Liên quan đến khủng hoảng trần nợ công tại Mỹ. Trong ngày 22/5 (Theo giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã có cuộc thảo luận tại Nhà Trắng, tuy nhiên hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng. Cuộc họp diễn ra sau khi Tổng thống Biden kết thúc sớm chuyến công du châu Á.

Bắt đầu cuộc thảo luận với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, Tổng thống Joe Biden bày tỏ lạc quan cuộc đàm phán sẽ đạt được tiến bộ, đồng thời nhấn mạnh cả hai bên đều có trách nhiệm quan trọng trong giải quyết bế tắc.

Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau, trả lời với báo chí, ông McCarthy cho biết hai bên vẫn chưa thể đi tới một sự đồng thuận chung.

Ông McCarthy cũng cho biết các nhà đàm phán sẽ làm việc xuyên đêm để thu hẹp khác biệt, đồng thời khẳng định ông và Tổng thống Biden sẽ thảo luận "hàng ngày" để tìm cách giải quyết vấn đề.

TRANH CÃI VỀ TU CHÍNH ÁN THỨ 14

Bế tắc về trần nợ công một lần nữa làm dấy lên tranh cãi về Tu chính án 14 của Hiến pháp Mỹ. Một số luật sư lập luận rằng, Tu chính án thứ 14 cho phép Tổng thống Biden đơn phương thanh toán các khoản nợ của quốc gia mà không cần quan tâm đến các yêu cầu của đảng Cộng hòa.

Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng, viện dẫn Tu chính án 14 để vượt trần nợ là hoàn toàn vi hiến. Trong hệ thống hiến pháp của Mỹ, quốc hội nắm ngân sách và kiểm soát chi tiêu của chính phủ. Việc cho phép cơ quan hành pháp phát sinh nợ mà không có sự chấp thuận của Quốc hội là vi phạm sự phân chia quyền lực này.

Về phần mình, Tổng thống Joe Biden cho biết ông có quyền kích hoạt Tu chính án 14 để tránh Mỹ vỡ nợ, tuy nhiên ông cũng tỏ ra lo ngại về tính thực tiễn của nó. Cho tới nay, chưa từng có tổng thống nào của Mỹ sử dụng Tu chính án 14 để giải quyết vấn đề trần nợ công. Tuy nhiên chiến lược này đã từng được đưa ra bàn thảo vào năm 2011 dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.

 

Ngọc Anh