Mỹ cảnh báo các dự án khí đốt tại Châu Phi

Các dự án khí đốt dài hạn tại Châu Phi có thể tác động tiêu cực đến môi trường. Đây là cảnh báo của Đặc phái viên về Biến đổi khí hậu của Mỹ John Kerry bên lề hội thảo về môi trường ở Senegal.

Hiện nay, nhiều quốc gia Châu Phi đã đặt mục tiêu bắt đầu sản xuất dầu và khí đốt, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sản xuất điện, các ngành công nghiệp năng lượng và giải quyết vấn đề thiếu hụt nhiên liệu tại khu vực này. Các nước châu Phi cho rằng họ cần đầu tư để phát triển các nguồn năng lượng của mình, bao gồm cả dầu và khí đốt. Tuy nhiên Mỹ và các nước phát triển đã cam kết trong năm 2021 sẽ hạn chế đầu tư vào nhiên liệu hoá thạch.

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ John Kerry cho biết việc tiếp tục cấp vốn cho các dự án dầu khí ở châu Phi đã trở thành một vấn đề quan trọng. Trong vài năm tới, khí đốt sẽ thay thế than hoặc thay thế dầu mỏ, đồng thời có thể sẽ được chuyển đổi sang các loại năng lượng xanh. Nhưng sau năm 2030, điều quan trọng là phải thu lại lượng khí thải từ khí đốt để bảo vệ môi trường.

Ông JOHN KERRY, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Biến đổi khí hậu: "Trong 10 năm tới, chúng ta cần tạo ra nhiều hơn các loại năng lượng mặt trời và gió nhờ những công nghệ có sẵn. Giá các loại năng lượng sạch này sẽ rẻ hơn khí đốt, dầu mỏ và than đá. Khi đó, các quốc gia có khả năng tận dụng đến 80% các loại năng lượng tái tạo. Vì vậy, chúng ta không nên vội vàng đi ngược lại tiến trình đó để kiểm soát lượng khí phát thải ra môi trường."

Sự tồn tại 'của các dự án khí đốt dài hạn có thể trở thành một vấn đề lớn sau năm 2030, khi mà các quốc gia phát triển đã chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo là chủ yếu và hạn chế khí đốt. Vì vậy, cần tìm ra giải pháp để hỗ trợ các quốc gia nhỏ, vốn chỉ chiếm một lượng nhỏ khí thải carbon vẫn có thể tiếp tục phát triển với xu hướng năng lượng xanh trong tương lai.