Muốn tăng cường liên kết vùng, lãnh đạo các địa phương phải vượt qua được tư duy nhiệm kỳ

Quy hoạch chiến lược, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc bằng những cơ chế chính sách kịp thời; chú trọng đến đổi mới sáng tạo trong thể chế; tổ chức lại không gian phát triển; quan tâm đến phát triển hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực ... là một trong những giải pháp quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt hiện nay.

Tại hội thảo Khoa học quốc gia “Nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển KT-XH trong điều kiện thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19- Tầm nhìn quốc gia và hành động địa phương” các ý kiến tham luận phân tích sâu việc khơi thông, giải phóng các nguồn lực cụ thể, đặc biệt là nguồn lực đất đai, tài chính, con người. 

GS NGUYỄN XUÂN THẮNG, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia HCM, Chủ tịch HĐLL Trung ương: “Hiện nay người ta quan tâm vấn đề tái định cư , xây dựng khu vực tái định cư , đền bù rồi mới giải phóng mặt bằng . Chứ bây giờ giải phóng mặt bằng dân ra khỏi đường với giá không chuẩn rồi một khu đất chuyển đổi mục đích vào khu công nghiệp và khu đô thị rồi dân mua không nổi lấy 1 mét đất ngay trên mảnh đất mà người dân sinh sống. Cái này tại sao các vụ khiếu kiện lại kéo dài ? Tại sao lại đẻ ra rất nhiều thứ. Nên tôi cho cái sự tháo gỡ này rất quan trọng.”

Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, muốn tăng cường liên kết vùng, trước hết, các địa phương phải vượt qua được tư duy nhiệm kỳ, ngắn hạn, tư tưởng cục bộ, chủ nghĩa địa phương, đổi mới và xây dựng các thể chế liên kết vùng thật sự hiệu lực - hiệu quả, để các địa phương trong vùng phát huy được tiềm năng, lợi thế, theo nguyên tắc “cùng thắng” theo phương châm: muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn tới đích thì phải đi cùng nhau. 

GS NGUYỄN XUÂN THẮNG, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia HCM, Chủ tịch HĐLL Trung ương: “Khi liên kết vùng có hạ tầng tốt, có sân bay, có hệ thống cảng biển ngon lành thì có thể năm đó hoặc năm sau đó thu nhập GDP chưa cao nhưng năm sau đó là bứt phá. Chúng ta phải để lại như một di sản ý tưởng của người đi trước đối với người đi sau.” 

Liên kết vùng, suy nghĩ theo hướng liên kết vùng tổ chức, quy hoạch không gian lãnh thổ, cấu trúc, nội dung phát triển. Lựa chọn ưu tiên công nghiệp thì ai, chế tạo thì ai, chế biến, du lịch dịch vụ thì ai chứ không phải phân công. Thưa quý vị cái này được hình thành từ tiềm năng, lợi thế

Ông TRẦN NGỌC CHÍNH, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng: “Trong quá trình phát triển đất nước thì liên kết vùng là một trong những việc lớn bởi vì liên kết vùng là một trong những việc tạo liên kết các địa phương với nhau. Thứ hai là khai thác các lợi thế chung của đất nước mà các địa phương có. Việt Nam có 27 tỉnh có biển. Là một nước có biển đảo vậy thì phát triển như thế nào về hệ thống cảng là một việc chúng ta phải đánh giá hết sức rõ ràng từng vùng, từng địa phương.”

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đại biểu cũng cho rằng để phục hồi hiệu quả kinh tế - xã hội thì những gói kích cầu cần tập trung giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục để người lao động sớm được nhận và ổn định cuộc sống trước mắt và lâu dài; cần có chính sách để phát triển nhà ở cho công nhân và đánh giá cao sự kịp thời của gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng cho Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế 2022-2023 vừa được Quốc hội thông qua tháng 1/2022. Để đạt được hiệu quả thì cần giải ngân nhanh và sử dụng hiệu quả gói hỗ trợ này, đồng thời kết hợp phát huy hiệu quả nguồn lực trong dân và doanh nghiệp.

Ninh Tùng