Muôn cách Châu Âu đối phó với thiếu hụt năng lượng

Châu Âu đang trong những ngày nắng nóng mùa hè, thế nhưng lo ngại về một mùa đông lạnh giá không có khí đốt sưởi ấm đã hiện hữu từ nhiều ngày nay khi Nga giảm nguồn cung khí đốt đến khu vực này. Để đối phó, nhiều biện pháp đã được các nước đưa ra, dù là ngắn hạn hay dài hạn.

Các bóng đèn chiếu sáng Đài Chiến thắng tại thủ đô Berlin của Đức đã được tắt đi, sau quyết định tắt đèn chiếu sáng bên ngoài 200 tòa nhà và tượng đài ở đây. Đây là biện pháp mới nhất mà nước Đức thực hiện nhằm hạn chế tiêu thụ năng lượng. 

Ông MARKUS KAMRAD - Thư ký thường trực thành phố Berlin: “Tiết kiệm năng lượng nhiều nhất có thể đã trở nên rất quan trọng ở châu Âu và Đức do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine và thách thức cắt giảm nguồn cung khí đốt từ Nga. Các cơ quan công quyền phải dẫn đầu trong việc tiết kiệm năng lượng. Chúng tôi làm điều đó ở Berlin bằng cách tắt hệ thống chiếu sáng bên ngoài của 200 tòa nhà.”

Nguồn khí đốt của Nga đáp ứng 60% nhu cầu tiêu thụ của Đức, nên việc Nga giảm nguồn cung khí đốt đến châu Âu đẩy Đức vào nguy cơ bị thiếu khí đốt trong mùa đông tới.

Còn tại Tây Ban Nha, Thủ tướng nước này đã yêu cầu các các công chức nhà nước và khu vực tư nhân nước này ngừng đeo cà vạt để tránh nóng và giảm sử dụng điều hòa nhiệt độ.

Thủ tướng Tây Ban Nha PEDRO SANCHEZ: “Tôi muốn tất cả các bạn lưu ý rằng tôi không đeo cà vạt, điều này có nghĩa là tất cả chúng ta đều có thể tiết kiệm năng lượng theo cách riêng. Tôi đã yêu cầu mọi người không đeo cà vạt khi không cần thiết, để chúng ta có thể tiết kiệm năng lượng, điều vốn rất quan trọng hiện nay.”

Nhiệt độ cao vào mùa hè đang làm hệ thống điện của châu Âu căng thẳng và làm dấy lên lo ngại rằng khu vực này sẽ phải tiết kiệm nhiều khí đốt hơn trong trường hợp nguồn cung từ Nga tiếp tục bị cắt giảm. Trên thực tế, nhiều người dân châu Âu cũng đã phải tự ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm.

Chị MELINA IKHLEF - Quản lý cửa hàng nước hoa: “Chúng tôi phải lựa chọn, tắt điều hòa và mở cửa, hoặc bật điều hòa và đóng cửa. Dù trước đây chúng tôi vẫn bật điều hòa và mở cửa cho khách tiện ra vào.”

Để đối phó với tình hình thiếu khí đốt có thể xảy ra, nhiều nước châu Âu đã ký kết các thỏa thuận chia sẻ khí đốt, ví dụ như Croatia đang chuẩn bị ký kết với Slovenia thỏa thuận song phương về chia sẻ khí đốt trong trường hợp xảy ra khủng hoảng nguồn cung từ Nga và tình trạng khẩn cấp trong Liên minh châu Âu (EU). Từ năm 2017, EU đã có cơ chế đoàn kết năng lượng, theo đó các quốc gia thành viên có thể hỗ trợ lẫn nhau trong việc đảm bảo cung cấp khí đốt cho những đối tượng tiêu dùng được bảo vệ (như các hộ gia đình và bệnh viện) trong trường hợp khủng hoảng.
 

Anh Tuấn