Bước sang tháng thi cử nước rút, các em học sinh cuối cấp có lẽ là những người vất vả nhất giai đoạn này. Năm nay, các kì thi đều được đẩy sớm hơn hằng năm khoảng 1 tuần. Ít thời gian ôn tập hơn, áp lực thi cử với các em lại càng bị nén căng hơn.
Việc học thêm đối với học sinh lớp 12 trở nên vô cùng bình thường. Bạn bè của em ai ai cũng đi học thêm. Thậm chí, những bạn ban đầu không có ý định đi học thêm nhưng khi thấy mọi người chạy theo lớp này lớp kia, thầy cô giỏi cũng đi học để bằng bạn bè.
Lớp học nọ nối vào lớp học kia, Duy Anh phải cắt giảm cả thời gian cho những nhu cầu ăn nghỉ bình thường để kịp “chạy xô”, chứ chưa nói đến nhu cầu vui chơi giải trí nào khác.
Học trên trường, học trên lớp, rồi lại về tự học,… Tất cả đều vì mục tiêu “cán đích” trong kì thi tốt nghiệp sắp tới. Dù mệt mỏi, em cũng không thể dừng lại.
Không chỉ Duy Anh, những học sinh cuối cấp khác hầu như đều phải đối mặt những guồng quay gấp gáp, những biến đổi về lịch trình, những áp lực tâm lý không hề nhỏ.
Giữa bức tranh mùa thi, chúng ta nói nhiều áp lực và cách cởi trói nó. Thế nhưng khi cả xã hội vẫn ào ạt chạy đua ôn tập, những lớp học thêm vẫn sáng đèn sớm khuya, những sự chăm lo của người lớn vẫn chỉ để quy về việc có sức “ôn thi”, thì việc giải tỏa áp lực thi cử có lẽ vẫn còn khá xa vời.
Năm nào cũng vậy, mỗi mùa thi đều chứng kiến những đứa trẻ bước vào cánh cổng như một chiến binh, những phụ huynh chờ con thấp thỏm lo lắng. Những cái ôm nhào cuối mỗi buổi thi dường như muốn nói kết quả có ra sao cũng không còn quá quan trọng.
Tại sao chúng ta không gửi đến những đứa trẻ của mình cái ôm động viên ngay từ bây giờ, để chấm dứt những sự căng thẳng không cần thiết ấy? Bởi dù kết quả thi cử có ra sao, những đứa trẻ được trưởng thành toàn vẹn mới là điều quan trọng nhất.
Bố mẹ mong muốn là em sẽ tự lập, sẽ chủ động vượt qua… Nhưng có lúc em mong là bố mẹ sẽ quan tâm đến mình hơn. ..