• 1629 lượt xem
  • 05:38 03/05/2022
  • Kinh tế

Một triệu nhà đầu tư mới trong vòng 6 tháng nhưng thiếu chuyên nghiệp, thị trường chứng khoán cần kiểm soát & minh bạch

Thị trường chứng khoán cần minh bạch hóa, phát triển đúng đắn, chính xác và tất cả các sai phạm ảnh hưởng đến thị trường đều phải bị xử phạt nghiêm minh. Đó là những nhấn mạnh từ Quốc hội và Chính phủ trong quyết tâm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán trong thời gian tới.

Nhiều năm qua, thị trường chứng khoán (TTCK) có bước phát triển mạnh mẽ, là kênh huy động vốn hiệu quả của doanh nghiệp nhưng cũng bộc lộ những hạn chế nhất định, ảnh hưởng đến tâm lý, bức xúc, mất niềm tin cho nhà đầu tư thời gian gần đây. Từ những yếu tố khách quan như nghẽn lệnh, làm giá, thao túng đến xử phạt các hành vi vi phạm đã làm cho nhà đầu tư khó tránh khỏi những nghi ngờ về sự bắt tay, thông đồng giữa các bên gây thiệt hại cho nhà đầu tư. 

Ông VÕ CHÍ THÀNH, chuyên gia kinh tế: “Hai năm vừa qua, xu hướng của TTCK, trái phiếu đâu đó dựa vào tiền rẻ, dựa vào sự tham gia ồ ạt của các F0, cùng chất chuyên nghiệp chưa cao. Chưa kể một số thời gian bị lũng đoạn bởi các nhóm dẫn dắt, cá mập”.

Đơn cử như vụ việc liên quan đến FLC hay Công ty chứng khoán Trí Việt, giá trị cổ phiếu bị nâng khống hàng chục lần so với thực tế bằng những chiêu lách luật như công bố lợi nhuận “ảo”, kết quả kinh doanh hay những kế hoạch trung và dài hạn đẹp đến mức “ru ngủ” các nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm.

Ông NGUYỄN HOÀNG PHƯƠNG, Công ty CP Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh: “Trong vòng 6 tháng trở lại đây, có hơn 1 triệu nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Một triệu nhà đầu tư so với 4,9 triệu nhà đầu tư có sẵn là con số rất lớn. Đa phần họ chưa có kiến thức, kĩ năng hoạt động đầu tư, rất dễ bị dẫn dắt bởi các đội nhóm, diễn đàn, mạng xã hội. Họ sẽ nhận những thông tin sai lệch, hành xử sai lệch và dẫn đến kết quả thua lỗ”.

Mới đây, tại Hội nghị về kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán 2022, các chuyên gia đã chỉ ra các chiêu trò mà các doanh nghiệp thường sử dụng là lập quy hoạch dự án tại những địa phương có thanh khoản tốt, giá trị kinh tế cao như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Quy Nhơn, Nha Trang,… làm bình phong cho sự phát triển. Nếu dự án được thực hiện, doanh nghiệp sẽ huy động vốn từ vay ngân hàng, trái phiếu để triển khai, tạo uy tín và lòng tin của nhà đầu tư. Bước tiếp theo là phát hành thêm cổ phiếu và thổi giá.

Ông NGUYỄN HOÀNG PHƯƠNG, Công ty CP Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh: “Cơ quan nhà nước cần kiểm soát các hoạt động truyền thông trên mạng, kiểm soát doanh nghiệp như đưa ra các chuẩn mực kế toán cụ thể, chặt chẽ để các doanh nghiệp không có điều kiện đưa thông tin tài chính sai lệch, dẫn dắt nhà đầu tư, đầu tư không chính xác”.

Ông VÕ CHÍ THÀNH, chuyên gia kinh tế: “Lành mạnh hóa là giảm các loại hình hoạt động dưới chuẩn về thông tin, cũng như việc phát hành, sử dụng vốn, đánh giá đúng thực trạng của doanh nghiệp”.

Xuất phát từ những mục đích xấu nhằm huy động vốn trái phép, pha loãng vốn của nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp cố ý làm sai lệch các số liệu, xem việc công bố thông tin là công cụ làm biến dạng thị trường. Đây là những hành vi mà Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán cần đưa vào khuôn khổ pháp lý đủ rộng, đủ mạnh mới có thể tạo lòng tin cho nhà đầu tư cũng như thực hiện tốt lộ trình theo Quyết định 242/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Văn Quyền