Một năm ngày Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan

Hôm nay 15/8 đánh dấu tròn 1 năm ngày phong trào Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan. Khi đó, phong trào Taliban đưa ra cam kết về một chính phủ toàn diện, đổi mới cách thức quản trị đất nước nhằm mang lại cho người dân một nền an ninh, kinh tế tốt đẹp hơn. 1 năm đã trôi qua, thực tế cho thấy cam kết của Taliban vẫn còn rất xa vời.

Ngày 15/8/2021, Taliban chính thức lên nắm quyền điều hành đất nước Afghanistan.

Những ngày sau đó, thế giới chứng kiến khung cảnh hỗn loạn đến tuyệt vọng tại sân bay Kabul. Hàng nghìn người Afghanistan đổ tới sân bay với hy vọng rời đất nước khi các nhân viên ngoại giao Mỹ và nước ngoài sơ tán. Nhiều người cố bám vào thân máy bay đang lăn bánh trên đường băng, cố gắng “chạy trốn” khỏi nơi đã sinh ra. Không ai biết số phận họ ra sao khi máy bay bay lên bầu trời, nhưng những hình ảnh trốn chạy bất chấp đó dường như báo hiệu một tương lai mịt mù của người dân đất nước Nam Á này.

TALIBAN 2.0: CAM KẾT VÀ HIỆN THỰC

Hôm nay 15/8/2022, tròn một năm Taliban lên nắm quyền. Lời hứa một năm trước về việc “Taliban phiên bản mới” sẽ khác xa với những gì mà họ đã từng là cách đây 20 năm, sẽ xây dựng một đất nước Afghanistan mới, để được cộng đồng quốc tế thừa nhận, giờ ra sao?

Về vấn đề đảm bảo an ninh, bất chấp cam kết, trong 1 năm qua, số vụ tấn công khủng bố tại Afghanistan vẫn không có chiều hướng giảm, thậm chí quốc gia này còn trở thành nơi tập hợp và tranh chấp của các nhóm khủng bố. Một ví dụ gần nhất là vụ không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ hôm 31/7 tiêu diệt thủ lĩnh hàng đầu của al-Qaeda Ayman al-Zawahihi. Kẻ đang bị truy nã gắt gao nhất thế giới lại đang cư trú ở giữa vùng Xanh ở thủ đô Kabul, phơi bày sự thật rằng: Taliban không đủ năng lực để đảm bảo an ninh cho đất nước.

Về chế độ cầm quyền, dù Taliban cam kết sẽ không khắc nghiệt với phụ nữ, trẻ em gái, thế nhưng phụ nữ ở nước này bị hạn chế đi làm hay xuất hiện nơi công cộng. Trẻ em gái phải học riêng, thậm chí các trường từ lớp 6 cho học sinh nữ vẫn chưa được mở cửa trở lại. 

Người dân Afghanistan: “Chúng tôi đã phải trải qua những điều tồi tệ trong vòng một năm qua, đặc biệt là về kinh tế. Người dân Afghanistan giờ đây ở dưới cả mức nghèo khổ, mọi người đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi đói nghèo và nề kinh tế yếu kém, kể cả những người vốn đã khá giả. Bên cạnh đó, giáo dục cũng là một lĩnh vực bị tổn hại nặng nề.”

Người dân Afghanistan: “Sự thay đổi lớn nhất mà tôi chứng kiến trong cuộc đời mình là tất cả các trường học nữ sinh đều bị cấm, chúng tôi đã không được đi học trong suốt một năm qua, và điều này khó có thể bù đắp được.” 

BÁC SĨ MOHAMMAD ASHRAF, Bệnh viện Nhi Indira Gandhi: “Có một thực tế là sự khốn cùng và nghèo đói đang gia tăng ở Afghanistan từng ngày. Tỷ lệ nghèo càng cao thì số ca suy dinh dưỡng càng nhiều. Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế và các tổ chức hỗ trợ khác hãy giúp đỡ những người nghèo, hãy giúp đỡ người dân đất nước này.” 

Hồng Nhung