Một năm chi chuyển nguồn hơn 600.000 tỉ đồng - không phải không có tiền mà có tiền nhưng không tiêu được!

Mặc dù nguồn lực ngân sách nhà nước còn hạn chế, nhưng câu chuyện thất thoát, lãng phí trong đầu tư công thời gian qua vẫn còn diễn ra tại nhiều địa phương, nhiều đơn vị, lĩnh vực.

Tại phiên thảo luận tổ sáng 25/5 về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại trước việc nhiều công trình đầu tư xong lại để hoang hoá, hoặc có đưa vào sử dụng nhưng không mang lại hiệu quả. Ngay cả việc chậm trễ, để lỡ thời điểm triển khai các dự án quan trọng, có thể kéo theo nhiều hệ luỵ cho mục tiêu tăng trưởng, gây lãng phí lớn về nguồn lực ngân sách nhà nước.

Một lãng phí lớn cho nguồn lực ngân sách nhà nước đang hiện hữu chính là việc chậm phân bổ vốn cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án trọng điểm Quốc gia. Nhiều ý kiến nhận định việc chậm trễ này không chỉ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những địa bàn khó khăn mà còn ảnh hưởng đến khả năng giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, gây lãng phí lớn về nguồn lực.

Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG: “Chúng ta đều khẳng định đây là chương trình rất lớn, có tác động sâu sắc đến kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước, liệu hành động 2 năm vừa rồi của chúng ta có chậm không? Chậm thì vì sao? Nghị quyết của Quốc hội được 2 năm rồi, 2 chương trình kia cũng được 1 năm rồi. Đã 2/5 năm vẫn còn loay hoay câu chuyện phân bổ thế nào. Một trong những yêu cầu của đoàn giám sát tối cao của Quốc hội là về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, liệu việc này có gây lãng phí không?”

Ông LÊ HỮU TRÍ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hoà: “Trong khi người dân đang chờ được hỗ trợ, đất nước vẫn đang cần vốn, nhưng vốn lại vẫn trên kế hoạch, nếu đồng vốn không chảy, hoặc chảy chậm thì đất nước sẽ chậm phát triển. Chúng ta phải nhanh nhưng vẫn phải ngăn chặn chống lãng phí, không phải làm vội vàng sau dó lại không đảm bảo chất lượng. Quốc hội nên giám sát mạnh mẽ.”

Chia sẻ những vấn đề đại biểu Quốc hội lo lắng về giải ngân đầu tư công và gói chính sách tài khoá, tiền tệ theo Nghị quyết 43 còn quá chậm…, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đây cũng là những vấn đề mà Quốc hội và Chính phủ đang rất quan tâm. Trong giai đoạn phục hồi kinh tế, Quốc hội đã cho phép áp dụng các cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt. Nếu không sử dụng nguồn lực ngân sách hiệu quả, kịp thời, sẽ không tạo được chuyển biến cho phát triển kinh tế.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: "Đọc quyết toán ngân sách năm 2020 sẽ thấy, tình trạng này kéo dài mấy năm nay, một năm mà chi chuyển nguồn hơn 600.000 tỷ đồng. Không phải là không có tiền mà là có tiền nhưng không tiêu được. Quốc hội và Chính phủ đều băn khoăn vấn đề này, các đồng chí là người sát nhất ở địa phương xem lý do vì sao không tiêu được? Cần phải có giải pháp mới cho những vấn đề cũ, những vấn đề đã kéo dài nhiều năm, trầm kha. Nhưng giải pháp mới là gì? Nếu chúng ta không bàn vấn đề này thì Quốc hội họp xong, Chính phủ họp xong cũng không chuyển biến được trong thực tiễn. Những vấn đề về vĩ mô thì Quốc hội, Chính phủ phải tập trung, nhưng ở cấp độ thực hiện ở cơ sở như thế nào?”

Nhiều đại biểu cho rằng lãng phí trong sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước, trong đầu tư công là căn bệnh trầm kha diễn ra nhiều năm nay. Rất nhiều công trình đầu tư xong lại đem “đắp chiếu”, đầu tư dở dang hoặc có đưa vào sử dụng nhưng cũng không mang lại hiệu quả. Nguyên nhân xuất phát từ việc xác định chủ trương đầu tư, công trình đó đã thật sự cần thiết hay không, hoặc  tập trung đầu tư vào những nơi không phát huy hiệu quả thay vì các dự án cấp bách.

Ông NGUYỄN MẠNH HÙNG, Đại biểu Quốc hội Thành phố Cần Thơ: “Có 2 bệnh viện cơ sở của Bạch Mai và Việt Đức đã hoàn thành từ năm 2018 mà đến nay chưa đưa vào sử dụng. Bệnh viện Việt Đức đến hôm nay cũng chưa tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nào, còn Bệnh viện Bạch Mai có thời gian ngắn có tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid nhưng sau đó lại đóng cửa. Chỗ này đã được đánh giá sự lãng phí như thế nào?”.

Những dự án kéo dài chưa đưa vào sử dụng, những dự án dở dang đắp chiếu hay những dự án cấp bách nhiều năm vẫn còn nằm trên giấy, nếu không có phương án xử lý kịp thời, hiệu quả sẽ trở thành những “dự án làm nghèo đất nước”. Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, cần có chế tài xử lý đủ sức răn đe với những trường hợp gây lãng phí, trong đó xử lý trách nhiệm đối với trường hợp chậm giải ngân, chậm triển khai các dự án, công trình sử dụng vốn đầu tư công do nguyên nhân chủ quan.

Quang Sỹ