Một luật sửa tám luật: Nghe đại biểu Quốc hội phản biện

Sáng 6/1, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.… Những nội dung cần sửa đổi nhằm tháo gỡ “nút thắt” về thể chế, là điểm nghẽn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Các đại biểu nhận định, nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong 8 Luật cần hết sức chi tiết, tránh việc sửa đổi mang tính “vụn vặt”, “vá víu”. Việc sửa nhiều luật cũng cần đảm bảo tính tương thích, thống nhất với các quy định có liên quan, không để việc sửa điều này lại vướng vào điều khác.

Ông Nguyễn Hữu Chính - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “Tôi đề nghị nên rà soát tất cả nội dung trong luật đó để sửa luôn, tránh việc 1 luật chỉ sửa 1 điều thì sẽ vụn vặt, vì như, luật đấu thầu có nhiều nội dung khó khăn nhưng lại chỉ sửa mỗi điều về điều ước quốc tế. Tôi mạnh dạn đề nghị cần rà soát lại”.

Ông Phan Thái Bình - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam: “Tôi nghĩ không chỉ 8 luật này đâu, mà nhiều luật nữa cũng cần được xem xét, sửa chữa. Do đó ngoài 8 luật này thì tôi đề nghị Chính phủ rà soát, xem còn vướng luật nào không để tiếp tục sửa”.

Về quan điểm chung, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương và nhiều đại biểu đồng tình về sự cần thiết ban hành 1 luật sửa nhiều luật. Tuy nhiên, Chính phủ cần có đánh giá các các chính sách cần sửa đổi, bổ sung đã thực sự cấp bách hay chưa. Những nội dung cần sửa đổi phải thực sự cần thiết và phải được thực tiễn kiểm nghiệm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: “Cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn cho từng chính sách thì không rõ cho nên quá trình thảo luận có những ý kiến khác nhau là như thế, cho nên đề nghị Chính phủ cần bổ sung đánh giá cho hoàn thiện”.

Bà Nguyễn Phương Thủy - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: "Ví dụ như luật Thi hành án dân sự thì đã được nêu từ 2015, 2016 hoặc những vấn đề đưa ra cũng không phải cấp bách. Ở đây mỗi luật là 1 chính sách riêng, không liên quan gì mà chỉ vá với nhau, mà lại áp dụng thủ tục rút gọn, theo tôi cần xem xét kỹ lưỡng".

Một số ý kiến khác đồng tình, nếu chờ sửa từng luật theo quy trình thông thường sẽ không kịp thời tháo gỡ những “điểm nghẽn” về thể chế. Do đó, việc ban hành Luật theo quy trình, thủ tục rút gọn tại một Kỳ họp sẽ đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Tuy vậy, nếu việc sửa đổi được thực hiện với 1 chùm các vấn đề có liên quan, sẽ mang tính đồng bộ hơn./.