Mô hình tôm – lúa: Xử lý môi trường nước sao cho hiệu quả?

Chuyên đề “Giải pháp xử lý môi trường sản xuất tôm lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long” đã được tổ chức vào ngày 16/5 tại tỉnh Kiên Giang.

Theo nhiều nông dân, do vấn đề môi trường nước nên hiện nay mô hình sản xuất tôm – lúa vẫn xảy ra bệnh gây hại trên lúa và vi sinh vật gây bệnh trên tôm, dẫn đến hiệu quả kinh tế không được cao.

Ông HUỲNH PHI LƠ - Xã Hưng Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang: “Môi trường dưới sông rạch hiện nay bà con xả thải ra nhiều nên khi mình đưa nước vào sẽ bị ô nhiễm.”

Anh NÔNG VĂN THẠCH - Giám đốc HTX nông nghiệp tổng hợp Ba Đình, Bạc Liêu: “Cái khâu xử lý môi trường, nhất là tảo & nền đáy ao dơ rất là khó xử lý."

Tiến sỹ LÊ ANH XUÂN - Công ty công nghệ sinh học Trúc Anh Bạc Liêu: “Để giải quyết tốt vấn đề môi trường, thì trước khi xuống giống chúng ta phải cải tạo, phơi đầm đìa; mức nước trên trảng phải đủ sâu và đặc biệt phải sử dụng vi sinh, chế phẩm sinh học.”

Theo lãnh đạo Trung tâm khuyến nông quốc gia, một trong những yếu tố bảo vệ môi trường nước vùng nuôi tôm – lúa, đó là kiểm soát chặt chẽ vật tư đầu vào.

Ông LÊ QUỐC THANH - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: "Người nông dân cũng phải tích hợp được công nghệ tiên tiến, kiểm soát chặt chẽ vật tư đầu vào.”

Ông LÊ HỮU TOÀN - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang: “Phải sử dụng chế phẩm có nguồn gốc, chứng nhận rõ ràng.”

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ sẽ chỉ đạo tìm các cơ chế chính sách để hỗ trợ cho mô hình tôm - lúa này. Về phía các địa phương đồng bằng sông Cửu Long, cũng sẽ có thêm kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, kể cả quy hoạch vùng nuôi, đảm bảo nguồn nước cung, nước tiêu, phòng tránh dịch bệnh.

Trung Hiếu