Mô hình thanh tra cấp huyện được đưa ra bàn thảo nhiều tại nghị trường

Cũng trong chiều 13/6, thảo luận về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến mô hình tổ chức của các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, trong đó đề nghị cân nhắc về việc duy trì mô hình thanh tra cấp huyện như hiện nay.

Bày tỏ băn khoăn trong việc duy trì mô hình thanh tra cấp huyện, đại biểu cho rằng trong báo cáo tổng kết thi hành Luật Thanh tra từ năm 2010 đến nay, đã nhận xét "hiệu quả hoạt động của cơ quan thanh tra cấp huyện còn hạn chế, nhiều bất cập", ngoài ra thành lập cơ quan thanh tra mà không có các đối tượng thanh tra cũng là vấn đề cần phải phải được cân nhắc.

Ông TRƯƠNG XUÂN CỪ, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “Chúng ta biết Nghị quyết 18 ngày 25/10/2017 là tiếp tục đổi mới, tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Sau 10 năm ta thấy Luật Thanh tra cũ có hệ thống đầy đủ của Thanh tra cấp huyện, chúng ta đã nhận xét thanh tra cấp huyện có một số chưa đáp ứng được, liệu chúng ta có quán triệt nghị quyết tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, hiệu lực, hiệu quả của chúng ta không?”.

Tranh luận về nội dung này, Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng hoạt động thanh tra hiện nay được xác định theo nguyên tắc chỗ nào có cơ quan quản lý nhà nước cấp quản lý thì phải có hoạt động thanh tra.

Ông TRỊNH XUÂN AN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: Cơ quan thanh tra ngoài thực hiện nhiệm vụ thanh tra theo quy định còn phải làm rất nhiều nội dung khác ví dụ như tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo… đặc biệt cấp huyện là cấp cơ sở theo xu hướng tăng giải quyết khiếu nại tố cáo ở cấp cơ sở là rất lớn, nếu chúng ta xác định tổ chức lại mô hình thanh tra cấp huyện theo tiêu chí thu ngân sách hay không thì cần phải đánh giá lại”.

Có ý kiến cho rằng cần có khảo sát xem có bao nhiêu người trong số hơn 700 chủ tịch UBND cấp huyện trong cả nước nói không cần thiết phải có thanh tra cấp huyện.

Bà NGUYỄN THỊ THU HÀ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh:Giữ nguyên mô hình thanh tra cấp huyện như hiện nay tại Điều 2, 3, 5 vẫn đang tồn tại bởi 1 số lí do không có thanh tra cấp huyện  giúp chủ tịch UBND huyện phát hiện sơ hở, vi phạm của các cơ quan tổ chức cá nhân trên địa bàn, nhất là những quy định của chính quyền cấp huyện ban hành. Nếu nói để cho UBND tỉnh làm liệu có ổn không? Phải đánh giá lại thực trạng”. 

Giải trình về nội dung này Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, nhằm phòng ngừa phát hiện xử lý sai phạm từ sớm từ xa ngay từ cơ sở, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp nghiên cứu hoàn chỉnh các quy định tổ chức thanh tra, cũng như trình Chính phủ những quy định cụ thể nhằm kiện toàn tổ chức nâng cao năng lực của cơ quan thanh tra cấp huyện.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam