• 1857 lượt xem
  • 05:15 01/08/2022
  • Kinh tế

Vấn đề đất nông lâm trường đã qua 2 nhiệm kỳ vẫn đang phải tiếp tục phải giải quyết

Đây cũng là tình trạng chung diễn ra tại nhiều địa phương khi sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và cơ quan chức năng chưa thực sự hoà nhịp. Câu chuyện hiện không chỉ là vấn đề của 3 bên chính quyền địa phương, doanh nghiệp nông trường và người nông dân, mà cũng cần phải làm rõ trách nhiệm của Bộ chủ quản trực tiếp gỡ nút thắt cho câu chuyện về bàn giao đất nông lâm trường.

Bên cạnh đó, không chỉ cần có một cơ chế đủ mạnh, đủ thuyết phục, hài hòa được lợi ích các bên liên quan trong việc thu hồi, giao đất, mà quá trình thu hồi – giao đất, cần sự minh bạch, công khai thông tin thực hiện giữa các chiều để thuận tiện theo dõi, kiểm tra. Đây cũng là vấn đề được đặt ra tại phiên giám sát thực hành tiết kiệm chống lãng phí của Quốc hội với Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa qua.

Bà NGUYỄN VÂN CHI - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội: “Chúng ta cần phải có được số liệu tổng hợp là đã rà soát được bao nhiêu nông lâm trường trên toàn quốc và số đã được bàn giao về các địa phương là bao nhiêu, tức là diện tích đất hay là số lượng đã được bàn giao về địa phương, số lượng chưa bàn giao và quan trọng nhất là số liệu đất mà mục đích sử dụng đã bị thay đổi, đối tượng sử dụng đã bị thay đổi bao nhiêu mà Nhà nước không không thu hồi lại được, đấy là chỗ thất thoát rất lớn.”

Bà VŨ THỊ LƯU MAI - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội: “Chúng tôi thấy có những tỉnh thành rất thẳng thắn nhận diện là chưa xử lý được và cũng khẳng định chắc chắn đó là có tình trạng lấn chiếm, không quản lý chặt chẽ và tự ý chuyển mục đích sử dụng đất. Chúng tôi đi giám sát tại Hà Nội thấy có thực tế như vậy và thành phố cũng kiến nghị là cần thực hiện nghiêm các quy định của Nghị định 167 và sau này là Nghị định số 67 và đề nghị các cơ quan có chức năng cần phải xử lý và bàn giao về địa phương những diện tích thuộc quyền quản lý của địa phương.”

Ông TRẦN HỒNG HÀ - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Để giải quyết các vấn đề như là vấn đề đất nông, lâm trường, chúng ta đã qua 2 nhiệm kỳ. Hiện nay hơn 1,8 triệu có 467.000 hecta đã chuyển về địa phương nhưng nằm đấy vì không có tiền để đo đạc, để lập hồ sơ, để giải quyết các vấn đề tranh chấp và hơn 967.000 thì hiện nay đã chuyển sang hình thức công ty nông lâm trường nhưng hiện nay không thu được tiền thu bởi vì cũng đang nợ nần, hoạt động chưa hiệu quả.”

Khắc phục những bất cập trong quản lý đất sau cổ phần hoá các nông, lâm trường quốc doanh là việc làm không thể chậm chễ được nữa. Bởi, những hệ lụy, sự lãng phí và thất thoát tài sản nhà nước trong nhiều chục năm qua đã là quá lớn. Nghị quyết 18 của Trung ương mới đây về Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao đã nêu rõ cần quy định cụ thể hơn vấn đề thu hồi đất, hay quản lý kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất, đất của các doanh nghiệp nhà nước thoái vốn, cổ phần hoá, tránh thất thoát lãng phí. Đây là cơ sở để giải quyết bài toán lãng phí trong lĩnh vực này hiện nay. 

Trong các phiên giám sát về công tác thực hành, tiết kiệm chống lãng phí được thực hiện với các Bộ, ngành bắt đầu từ tuần sau, hy vọng sẽ còn nhiều nút thắt, vấn đề được đưa ra thảo luận, tháo gỡ, nhằm giải phóng các nguồn lực nhà nước vốn còn nhiều tiềm năng. 

Thanh Nga