Miễn thuế thu nhập cho doanh nghiệp phối hợp tổ chức lao động cho phạm nhân ngoài trại giam

Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại diện các bộ ngành đều tán thành với sự cần thiết trình Quốc hội ban hành Nghị quyết này theo quy trình 1 kỳ họp.

Theo dự thảo Nghị quyết, thời gian thực hiện thí điểm là 5 năm đối với không quá 1/3 tổng số trại giam thuộc Bộ Công an quản lý, tức không quá 18 trại giam. Doanh nghiệp phối hợp với Trại giam trong thời gian thực hiện thí điểm được hưởng chính sách miễn thuế thu nhập.

Các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, vì đây là Nghị quyết để tổ chức thực hiện thí điểm nên chỉ quy định về nguyên tắc, sau đó giao cho Chính phủ có Nghị định quy định chi tiết. Việc ban hành Nghị quyết này sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc hiện nay, đồng thời nâng cao hiệu quả giáo dục, cải tạo phạm nhân. Từ việc thí điểm có thể tổng kết, đánh giá để có thể sửa đổi Luật Thi hành án hình sự về lâu dài.

Thiếu tướng LÊ TẤN TỚI, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội:Tính minh bạch, tính nhân đạo của Nghị quyết là rất lớn. Minh bạch là chúng ta đưa lao động ngoài trại giam thì vẫn có sự giám sát của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh theo Luật Thi hành án hình sự. Còn tính nhân dạo là ở chỗ người phạm nhân vẫn được đào tạo, lao động, vẫn có thu nhập và xã hội cũng được hưởng thành quả lao động đó thì ý nghĩa của Nghị quyết là rất lớn.”

Các ý kiến cũng ủng hộ quan điểm, nên có chính sách miễn thuế thu nhập đối với tổ chức, doanh nghiệp hợp tác với Trại giam để thu hút các đầu tư, nhất là khi các Trại giam thường đóng ở các địa bàn xa xôi.

Ông Y THANH HÀ NIÊ KĐĂM, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: “Tôi nhất trí với đa số ý kiến thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp về chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân hợp tác với trại giam để tổ chức lao động, hướng nghiệp; cần phải có thêm chính sách ưu đãi bởi đây là loại hình khó thu hút, cần có chính sách đặc thù.”

Ông VÕ THÀNH HƯNG, Thứ trưởng Bộ Tài chính:Phạm nhân là các đối tượng yêu cầu công tác quản lý đặc biệt. Cơ bản phải đào tạo nghề từ ban đầu. Công tác quản lý lao động là phạm nhân lẫn với các lao động khác thì có thể có những bất cập. Do đó, doanh nghiệp có thể không mặn mà trong việc tham gia nên cần phải có những ưu đãi.” 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao, hồ sơ Nghị quyết được chuẩn bị dày dặn, có ý kiến đánh giá đầy đủ của các cơ quan, đáp ứng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình, về nội hàm trong thời gian thực hiện thí điểm tổ chức hợp tác với trại giam, doanh nghiệp được áp dụng chính sách miễn thuế thu nhập, tuy nhiên không nên dẫn chiếu như dự thảo.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Không phải doanh nghiệp được miễn thuế này mà thu nhập từ hoạt động này sẽ được miễn thuế thu nhập Doanh nghiệp. Quy định rõ như vậy thì sẽ không cần dẫn chiếu đến Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và sau nay nếu sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, quy định này không còn ở Điều 4 mà ở Điều 5, Điều 6… thì quy định trong dự thảo là không phù hợp. Điều 4 Luật Thu nhập Doanh nghiệp có 7 loại thu nhập được miễn thuế. Quy định thẳng trong Nghị quyết về thu nhập từ lao động hướng nghiệp dạy nghề cho phạm nhân của doanh nghiệp tham gia thực hiện thí điểm được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.

Giải trình thêm một số nội dung các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công an đồng tình, Nghị quyết không quy định chi tiết 18 Trại giam được phối hợp với doanh nghiệp tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Bộ Công an không đặt vấn đề cấp bằng hay chứng chỉ cho hoạt động này.

Đại tướng TÔ LÂM, Bộ trưởng Bộ Công an: “Đây không phải chương trình đào tạo gì để phải cấp bằng, cấp chứng chỉ mà hướng dẫn người ta, nếu chưa biết làm thì cầm tay chỉ việc cho người ta làm, hướng dẫn hoặc nâng cao tay nghề. Thời gian không dài nên Ban soạn thảo không đặt vấn đề về chứng chỉ. Quyền lợi lớn nhất của phạm nhân ở đât là quyền lợi được lao động. Đó là ý nghĩa rất lớn để lao động, hoàn thiện con người.

Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất hồ sơ Nghị quyết đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 theo quy trình 1 kỳ họp. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành với phạm vi và đối tượng điều chỉnh như dự thảo Nghị quyết, thời gian thí điểm là 5 năm. Trong thời gian thực hiện thí điểm, doanh nghiệp hợp tác với Trại giam được áp dụng chính sách miễn thuế thu nhập cho phần thu nhập từ hoạt động hợp tác. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra nghiên cứu thêm, có thể quy định phạm vi ngành nghề phù hợp; rà soát kỹ lưỡng các trường hợp phạm nhân không được đưa ra lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam; đồng thời nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến cả về nội dung, kỹ thuật văn bản; thời gian có hiệu lực, tổng kết, sơ kết Nghị quyết./.

Quang Anh