Mất 3 năm để trùng tu điện Thái Hòa

Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế vừa tiến hành hạ giải công trình điện Thái Hòa để phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di sản. Dự kiến sẽ mất 3 năm để trùng tu công trình biểu tượng của di sản Huế có tuổi đời hàng trăm năm tuổi này.

Điện Thái Hòa là công trình kiến trúc quan trọng nhất trong hoàng cung triều Nguyễn, nơi diễn ra các đại lễ và các cuộc họp đại triều với sự tham gia của vua, hoàng thân quốc thích và các đại thần. Nằm ở vị trí chính yếu, được du khách tham quan với tần suất dày đặc nên việc trùng tu di tích này được đánh giá là hết sức quan trọng. 

Trước khi hạ giải, đơn vị thi công đã chụp ảnh toàn bộ hiện trạng công trình, dập lại hoa văn trang trí, đánh dấu vị trí cấu kiện gỗ và làm sàn bảo vệ nền gạch… Tiến hành hạ giải từng hạng mục như mái ngói, ô pháp lap, hệ vách ván.. rồi đưa vào nhà bao che để phân loại đánh giá với sự tham gia của hội đồng khoa học. Theo đó, cấu kiện được đánh giá hư hỏng hoàn toàn thì phục hồi mới, hư hỏng ít thì xử lý vệ sinh nối vá, cấu kiện còn tốt thì tái sử dụng hoàn toàn.

Ông HỖ HỮU HÀNH – Giám đốc Công ty CP Tu bổ Di tích Huế: Chúng tôi sẽ tập trung cho công tác gia công, thay thế các cấu kiện gỗ, sau đó tiếp tục lắp dựng. Lắp xong bộ khung, chúng tôi sẽ đánh giá hệ liên ba (tức vách ván) có trang trí hoa văn được UNESCO công nhận di sản tư liệu thế giới rồi đánh giá cái nào cần bảo tồn, cái nào cần thay thế phần sơn son thiếp vàng như thế nào đó sẽ là công tác tiếp theo”.

Ông PHAN VĂN TUẤN – PGD Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế: “Các bộ phận tham gia ở đây đều được bố trí theo quy định, từ khâu giám sát của chủ đầu tư, kỹ thuật rồi khâu điều hành, chỉ huy công trường của đơn vị thi công. Các đơn vị phối hợp với nhau và phân công trách nhiệm rõ ràng từng công việc một. Đặc biệt, đối với công trình này, những cấu kiến xuất lộ chúng tôi đều cập nhật bằng đo vẽ, quay phim, scan 3D để làm phim tổng hợp thi công công trình này”.

Việc trùng tu điện Thái Hòa được kỳ vọng là công trình chuẩn mực trong việc trùng tu di sản khi tôn trọng tối đa yếu tố gốc, áp dụng công nghệ để trùng tu hiệu quả hơn. Điển hình như việc làm sàn bảo vệ nền gạch với quy trình khắt khe, theo hồ sơ được duyệt. Việc ứng dụng công nghệ quét 3D cũng được kỳ vọng tạo nguồn tư liệu cho công tác trùng tu sau này.

Ông HỖ HỮU HÀNH – Giám đốc Công ty CP Tu bổ Di tích Huế: Dự án này là nhóm B, theo quy định, là 4 năm từ ngày khởi công đến khi bàn giao vào sử dụng. Đối với điện Thái Hòa nó là điểm đến của tất cả du khách thì chúng tôi sẽ dồn hết nguồn lực, kinh nghiệm vào công trình này, tức rút ngắn còn khoảng 3 năm”.

Việc trùng tu điện Thái Hòa sẽ góp phần gìn giữ di tích này còn mãi với thời gian, đồng thời là biểu tượng chuẩn mực trong quá trình bảo tồn di sản. Trước đó, Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt thực hiện với tổng mức đầu tư trên 128 tỷ đồng, gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn huy động khác.

Tiểu Bảo