Mắng chửi, đe dọa, chì chiết đối với trẻ em là bạo lực ngôn ngữ

Phát biểu ý kiến tại hội trường ngày 14/6, đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cho rằng trên thực tế có loại hành vi khá phổ biến nhưng rất khó để nhận biết đó là bạo lực tinh thần dưới dạng mắng chửi, đe dọa, chì chiết đối với trẻ em hay còn gọi là bạo lực ngôn ngữ, loại hành vi này dễ bị hiểu nhầm là một cách dỗ con.

Đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy hậu quả khôn lường của việc cha mẹ quát mắng con cái, trong đó đã chỉ ra, khi cha mẹ mắng chửi, chì chiết thì mức độ tổn thương về ngôn ngữ, về tinh thần và thể xác của trẻ em là hoàn toàn như nhau. Có thể dẫn đến thay đổi tiêu cực về cấu trúc của não bộ, ảnh hưởng đến trí nhớ của trẻ. 
Những lời nói đay nghiến, đe dọa, chì chiết của cha mẹ khiến cho trẻ em cảm thấy tội lỗi, tự ti, rằn vặt bản thân và cho rằng mình kém cỏi, vô dụng. Hậu quả này có thể kéo dài cả đời và đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em những đối tượng còn non nớt, chưa đủ khả năng để tự bảo vệ mình.

Một nhà nghiên cứu đã từng nói, kẻ giết người hủy hoại cuộc đời của một đứa trẻ không phải là trò chơi mà chính là bạo lực ngôn ngữ của cha mẹ.

Theo số liệu gần đây của UNICEF, trong số các vụ bạo lực trẻ em thì có khoảng 11% các trường hợp sử dụng đòn roi, đánh đấm; 15,7% dưới hình thức đẩy ngã, tát, ném đồ vật vào người con cái; khoảng 56,6% là bạo hành tinh thần dưới dạng đe doạ, mắng chửi, chì chiết. Vì vậy, tôi đề nghị cần quy định cụ thể, chỉ rõ để dễ nhận diện được những loại hành vi bạo lực tinh thần như nêu trên.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam