Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở: Đại biểu đề nghị xem xét nội dung cần công khai với nhân dân

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, cho ý kiến Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, về nội dung công khai để nhân dân biết, các đại biểu đề nghị, cần xem xét, cân nhắc nội dung nào nên công khai và nội dung nào thì không cần thiết, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của chính quyền cơ sở.

Các đại biểu cũng cho rằng, nếu các chương trình, kế hoạch, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội được triển khai, lấy ý kiến đông đảo của người dân đến tận thôn, bản, tổ dân phố thì chính quyền cấp xã cũng xác định được những dự án, kế hoạch nào là bức xúc cần triển khai làm trước, những nội dung nào chưa cấp bách, những nội dung nào cần điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện và cân nhắc kỹ lưỡng hơn trước khi triển khai thực hiện. 

Ông SÙNG A LỀNH - Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai: “Thực tế ở các địa phương thực hiện nội dung này còn mang tính hình thức để khép kín thủ tục, hồ sơ, không đảm bảo thực chất hoặc lấy ý kiến thiếu trọng tâm, trọng điểm. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc lấy ý kiến nhân dân về các lĩnh vực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, quy định về cơ chế đảm bảo việc lấy ý kiến nhân dân được tiến hành thực chất và hiệu quả hơn.”

Từ yêu cầu này, có ý kiến đề nghị bổ sung thêm một số nội dung vào danh mục những nội dung chính quyền cấp xã phải công khai. Đó là những nội dung nhân dân tham gia ý kiến trước khi cấp có thẩm quyền quyết định.

Ông LÊ TẤT HIẾU - Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc: “Bổ sung thêm nội dung là dự thảo quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất, các đề án định canh, định cư vùng kinh tế, phương án phát triển các ngành nghề, dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và phương án điều chỉnh việc quản lý, sử dụng quỹ đất của cấp xã.”

Trái lại, cũng có đại biểu cho rằng, chỉ công khai những vấn đề thực sự cần thiết và liên quan trực tiếp đến đời sống sản xuất của người dân sao cho ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ chứ không nhất thiết phải công khai quá nhiều thông tin.

Ông MAI VĂN HẢI - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá: “Về công khai dự toán ngân sách cấp xã hàng quý, 6 tháng và hàng năm. Theo tôi phải cân nhắc lại vấn đề này, bởi vì quy định như thế là công khai nhiều và làm mất nhiều thời gian của xã. Việc công khai danh sách đối tượng nhập ngũ theo tôi cũng không cần, bởi vì nhập ngũ trong quân đội và công an theo Luật Nghĩa vụ quân sự và Luật Công an nhân dân.”

Một số ý kiến khác cho rằng, hiện nay pháp luật chỉ quy định về nội dung, hình thức công khai mà thiếu quy định về tính minh bạch trong công khai của chính quyền cấp xã. Vì vậy, nhiều địa phương thực hiện công khai một cách chiếu lệ. Công khai không kèm theo sự minh bạch thì sẽ không đảm bảo được quyền lợi của người dân. Do đó, đại biểu đề nghị dự thảo luật làm rõ quy định này.