Luật Phòng thủ dân sự: Băn khoăn cơ chế phối hợp giữa các lực lượng

Hôm nay 6/7, Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội do Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm trưởng đoàn, đã tiến hành khảo sát tại tỉnh Bến Tre để phục vụ công tác thẩm tra dự án Luật Phòng thủ dân sự. Đây là địa phương có bờ biển dài 65km, công tác phòng chống thiên tai đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Đây cũng là 1 trong những vấn đề đặt ra trong triển khai công tác phòng thủ dân sự ở địa phương này

Tuyến kè bảo vệ bờ biển này là địa điểm xung yếu, thường xuyên bị nước biển gây sạt lở. Với hơn 1km bờ kè dọc xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, nguồn lực cho việc khắc phục sạt lở, ứng phó với sự cố, thiên tai, triển khai các phương án diễn tập là điều khó khăn.

Phóng viên KHẮC PHỤC: “Nơi tôi đang đứng đây là 1 trong hơn 10 điểm ven biển, ven sông sạt lở nghiêm trọng của tỉnh Bến Tre. Hàng năm để phòng chống thiên tai, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng đã thực hiện phương châm 4 tại chỗ trong công tác phòng thủ dân sự. Tuy vậy nguồn lực tại địa phương còn hạn chế, vì vậy có một hành lang pháp lý là điều rất cần thiết đối với địa phương.”

Qua khảo sát cho thấy, các phương án ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai đã được địa phương chuẩn bị sẵn. Bến Tre thường xuyên chịu tác động bởi biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nguồn ngân sách, nhân lực cho ứng phó sự cố lại chưa được quan tâm đầu tư đồng bộ. Lực lượng thực hiện nhiệm vụ lại kiêm nhiệm.

Ông NGUYỄN KHÁNH HOANG, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Bến Tre: “Chúng tôi làm phòng chống thiên tai thì Ban chỉ huy có lồng ghép với lực lượng Công an, quân sự, dân quân tự vệ, lực lượng xung kích, tuy nhiên giờ có Luật Phòng thủ dân sự nữa sẽ tạo hành lang pháp lý và công tác phối hợp chặt chẽ hơn.”

Phòng thủ dân sự liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, bao gồm các biện pháp phòng chống chiến tranh; phòng, chống khắc phục hậu quả thảm họa,  sự cố, thiên tai, dịch bệnh …Vì vậy, Đoàn khảo sát đề nghị tỉnh chỉ rõ cơ chế chỉ huy, xây dựng lực lượng; huy động phương tiện, vật tư, hậu cần theo phương châm 4 tại chỗ, đặc biệt là sự phối hợp giữa các lực lượng.

Ông TRỊNH XUÂN AN, Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: “Trong thực tiễn khi chúng ta phòng chống dịch bệnh, nếu theo Quy định Nghị định 02 thì cơ quan Quân sự đang chủ trì phòng thủ dân sự. Vậy chúng ta có cơ chế phối hợp như thế nào, hiệu quả có đảm bảo được không hay là phải tính theo hướng liên quan đến lĩnh vực nào thì cơ quan chuyên môn lĩnh vực đó sẽ tham gia chủ trì?”

Ông NGUYỄN MINH CẢNH, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre: “Vai trò chỉ huy trưởng phải là tỉnh, cơ quan tham mưu phải kiêm nhiệm chứ không thể chuyên trách được nhưng phải có một cơ quan tổng hợp chung, rồi từng ngành phụ trách từng lĩnh vực thì tham mưu chính lĩnh vực đó, trong tác chiến thì ngoài chỉ huy trưởng là lãnh đạo Ủy ban thì ai ở ngành nào thì chỉ huy trưởng của ngành đó.”

Trung tướng NGUYỄN HẢI HƯNG, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: “Nếu giao Quân sự là Phó thường trực tham mưu thì Quân sự cũng chỉ tham mưu được 1 mảng thôi chứ không thể tham mưu được các lĩnh vực khác như thiên tai, dịch bệnh, cháy nổ, sập nhà cao tầng thì lại lĩnh vực khác. Qua thực tiễn nghe các đồng chí phản ánh là cơ sở để chúng tôi nghiên cứu.”

Với địa hình sông nước của Bến Tre, Đoàn khảo sát cũng đề nghị tỉnh làm rõ các yếu tố tiềm ẩn, các loại sự cố, rủi ro; đặc thù của việc bố trí, xây dựng các công trình, lực lượng phòng thủ dân sự; việc huy động nhân dân, các tổ chức đoàn thể khi sự cố xảy ra. 

Khắc Phục