Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi: Không soạn thảo đầy đủ quy định về khám, chữa bệnh từ xa là "khiếm khuyết lớn nhất"

Khiếm khuyết lớn nhất của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) mà Ban soạn thảo trình lần này đó là phần quy định về khám, chữa bệnh từ xa đã không được soạn thảo đầy đủ. Đây là nhận định của đại biểu đưa ra tại phiên thảo luận của Quốc hội vào sáng nay.

Đại biểu cho biết, hiện nay ứng dụng khám, chữa bệnh từ xa đang được áp dụng khá thành công trong việc tư vấn, hội chẩn, đào tạo, nhưng trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này chỉ được định một cách ít ỏi, nửa vời, thiếu tầm nhìn khi chỉ có duy nhất ở Điều 55. Do đó nếu Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này được thông qua sẽ có 3 khả năng bất lợi xảy ra.

Ông NGUYỄN ANH TRÍ - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Một là hoạt động khám, chữa bệnh từ xa không phát triển được ở Việt Nam, người dân, nhất là những người ở vùng sâu, vùng xa sẽ không có cơ hội được khám, chữa bệnh với những người thầy thuốc giỏi, sẽ không tiếp cận được những dịch vụ y tế hiện đại, hiện tượng xếp hàng chờ đợi quá tải ở các bệnh viện lớn khó mà giảm bớt, khám, chữa bệnh Việt Nam khó hội nhập được với quốc tế, y tế Việt Nam bị đẩy lùi hàng chục năm. Hai, hoặc ai làm, dám làm để giúp cho bệnh nhân thì thiếu đi hành lang pháp lý nên rất dễ bị quy là làm sai, là vi phạm. Ba, do thiếu hành lang pháp lý đầy đủ và chặt chẽ thì đó là cơ hội để những việc làm xấu xuất hiện, để lòng tham nảy nở, để trục lợi bảo hiểm xảy ra, để hiện tượng móc túi người bệnh hoành hành. "

 Ý kiến khác cũng chỉ ra, mặc dù chưa thực sự toàn diện nhưng trong thực tế ở nước ta việc khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ chữa bệnh từ xa đã phát huy rất nhiều ưu điểm trong thời gian thực hiện các quy định về phong tỏa, giãn cách xã hội trong đợt cao điểm dịch Covid-19. Phát triển mạnh loại hình này cũng là một trong những biện pháp cụ thể để thực hiện tốt chủ trương của Nhà nước về chuyển đổi số toàn diện.

Ông PHẠM ĐÌNH THANH - Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum: “Đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung Điều 55 dự thảo Luật theo hướng Nhà nước có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện và có lộ trình cụ thể để phát triển phù hợp loại hình khám bệnh, chữa bệnh từ xa, nhằm phát huy những mặt ưu điểm như giảm thời gian, chi phí di chuyển của bệnh nhân, giảm nguy cơ lây lan bệnh tật, thực hiện nhanh hơn, kịp thời hơn đối với việc khám bệnh, chữa bệnh. Tạo điều kiện để nhiều người bệnh ở xa, ở vùng nông thôn, miền núi được bác sĩ giỏi ở trung tâm các thành phố lớn trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh thông qua việc khám, chữa bệnh từ xa”.

Các ý kiến cũng thống nhất, luật khám chữa bệnh sửa đổi cần bám sát đúng như mục tiêu, quan điểm đặt ra là lấy người bệnh làm trung tâm.