Thảo luận tại Tổ về Luật khám bệnh, chữa bệnh vào chiều 26/5, các đại biểu đồng tình về sự cần thiết của việc sửa đổi và phạm vi điều chỉnh trong dự thảo Luật nhằm góp phần tiếp tục thể chế hóa, khắc phục tồn tại, hạn chế thiếu xót của luật cũ. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cần có sự điều chỉnh đối với phạm vi điều chỉnh và chính sách của nhà nước về khám, chữa bệnh.
Liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đại biểu Nguyễn Lâm Thành, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên cho rằng, hiện nay để giảm thiểu gánh nặng bệnh tật cho người dân, cần có thêm quy định đối với khám sàng lọc cho người bệnh để dự phòng. Trong khi đó, các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng nếu đầu tư vào dự phòng thì hiệu quả về lâu dài tốt hơn, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân cũng tốt hơn vì chẩn đoán sớm.
Ông NGUYỄN LÂM THÀNH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên: “Khoản 2 Điều 1 lại không quy định về hoạt động dự phòng nâng cao sức khỏe, sàng lọc phát hiện sớm bệnh. Tôi cho rằng việc khám sàng lọc phát hiện sớm bệnh là rất cần thiết trong công tác khám chữa bệnh. Chúng ta có biện pháp khám và sàng lọc trước thì ngăn ngừa được nguy cơ bệnh tật rất lớn.”
Đối với chính sách của nhà nước về khám, chữa bệnh, đại biểu đánh giá về bức tranh y tế cơ sở trong công tác phòng, chống dịch Covid - 19 vừa qua vừa yếu và thiếu. Đề nghị, chú trọng đầu tư cho y tế cơ sở không chỉ cho vùng đặc biệt khó khăn mà cho cả những thành phố lớn.
Ông NGUYỄN PHƯƠNG TUẤN , Đại biểu Quốc hội Kiên Giang: “Ngay tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, y tế cộng đồng, y tế cơ sở cấp phường, xã quá tải, không xử lý được. Một phường có 10.000 dân, mà y tế cơ sở có 4, 5 nhân viên thôi. Do đó, trong dự thảo Luật cần viết rõ ưu tiên bố trí nguồn lực cho các hoạt động.”
Tại điều 4 của dự thảo Luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần có những quy định cụ thể hơn liên quan đến công tác khám, chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số trong đó có quy định về đầu tư cơ sở hạ tầng, nhân lực cho vùng đặc biệt khó khăn.
Bà KHANG THỊ MÀO, Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái: “Đảm bảo cơ sở vật chất, cho cán bộ nhân viên y tế cho vùng này tuy nhiên chưa đảm bảo hệ thống cơ sở khám chữa, đội ngũ y bác sĩ thiếu, yếu. Tại địa phương chỉ có 1 bác sỹ trên 4.000-5.000 nghìn dân, nếu không có cơ sở vật chất, nguồn nhân lực phù hợp đáp ứng yếu cầu thì khám chữa bệnh không khả thi. Bên cạnh đó cần chú trọng chính sách đào tạo, bồi dưỡng, tạo việc làm cho con em đồng bào, tại vùng đặc biệt khó khăn và có chính sách ưu đãi cho cán bộ, y bác sĩ tại vùng đặc biệt khó khăn.”
Bên cạnh đó, dự thảo Luật nên bổ sung quy định về bác sĩ gia đình nhằm tạo hành lang pháp lý giúp người dân được chăm sóc sức khỏe toàn diện và giảm tải cho tuyến y tế cơ sở; cần làm cơ sở thanh toán với cơ quan Bảo hiểm xã hội đối với lực lượng này.
Ông BÙI VĂN CƯỜNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: "Hiện nay Luật chưa có điều khoản nào nêu. Mặc dù từ 2014, Bộ Y tế đã có thông tư hướng dẫn. Từ đó đến nay 10 năm là đã đủ để đánh giá được và có thể quy định một điều nào đó trong Luật về loại hình khám chữa bệnh bác sỹ gia đình để làm căn cứ cho văn ban dưới luật."
Các đại biểu cũng đánh giá, dự thảo Luật sửa đổi Khám bệnh, chữa bệnh dù có nhiều nội dung mới thay đổi. Tuy nhiên, liên quan đến chính sách của nhà nước về khám, chữa bệnh, Dự thảo Luật chưa nêu được tác động đánh giá giữa y học cổ truyền và hiện đại. Đề nghị, cơ quan soạn thảo điều chỉnh và có quy định chi tiết sự kết hợp giữa Đông - Tây y trong điều trị bệnh.