Luật Đấu thầu (sửa đổi) cần khắc phục được những tiêu cực trong đấu thầu hiện nay

Cho ý kiến về Luật đấu thầu (sửa đổi), các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đặt vấn đề liệu những vướng mắc hiện nay trong đấu thầu do luật hay do quá trình thực hiện, để đảm bảo luật đấu thầu sửa đổi phải bịt những lỗ hổng trong đấu thầu hiện nay.

Tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu thấu, lựa chọn nhà thầu và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, tuy nhiên, có ý kiến cho rằng những sửa đổi trong dự án Luật vẫn chưa làm rõ quy trình làm thế nào để chọn được nhà thầu tốt, khi ưu tiên lựa chọn nhà thầu theo tiêu chí giá thấp

Ông VŨ HỒNG THANH, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội: “...Tránh vấn đề chúng ta thiên về lựa chọn giá rẻ mà không chọn được nhà đầu tư tốt thì trong luật này đã xử lý được vấn đề đó chưa? Ở đây nó liên quan tới quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư. Muốn rút ngắn thời gian, quy trình, đã lược bỏ thủ tục đánh giá sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư và thủ tục chấp thuận nhà đầu tư trong trường hợp chỉ có 1 nhà thầu đáp ứng. Khi đó có thể chỉ chọn được 1 nhà đầu tư trả giá rẻ".

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề: Tại sao cùng thực hiện theo quy định của pháp luật thì có nơi làm rất tốt, nhưng có nơi lại không làm được, thủ tục đấu thầu kéo dài gây ách tắc? Vậỵ cần nhìn nhận đánh giá nguyên nhân là do Luật hay do quá trình thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Thực trạng kết quả giảm giá qua đấu thầu rất thấp, các cơ quan viện lý do này để xin chỉ định thầu có giảm giá, nhưng cũng có những dự án người ta đấu thầu giảm giá rất lớn. Ví dụ các hạng mục đang triển khai của sân bay Long Thành, thấy báo cáo thừa nhiều tiền so với đấu thầu công khai, rộng rãi, giảm rất nhiều? Vì sao có tình trạng này, khắc phục thế nào? Khách quan chỗ nào? Chủ quan chỗ nào? Cái nào do luật pháp, cái nào do tổ chức thực hiện để có giải pháp".

Đề cập đến việc cần giải quyết bất cập qua đấu thấu các hợp đồng EPC, trong luật đấu thầu lần này cần giải quyết được những bất cập đó, trong đó cần có quy định xử phạt với nhà thầu

Ông BÙI HỒNG MINH, Thứ trưởng Bộ Xây dựng: “Dự án IPC đều vướng. Nguyên nhân đầu tiên là vấn đề chuẩn bị đầu tư kém: chúng ta chuẩn bị từ khảo sát, thiết kế sơ bộ và tổng mức đầu tư làm sơ sài và mang kết quả sơ sài đi đấu thầu, trúng thầu lại dựa vào đó để ký hợp đồng. Khi triển khai thì bắt đầu vướng. Vướng từ sửa đổi thiết kế, thay đổi biện pháp thi công và vật liệu, giải pháp công nghệ kể cả năng lực giả thầu". 

Luật Đấu thầu liên quan đến nhiều luật chuyên ngành khác, vì vậy lần sửa đổi này sẽ bảo đảm tính khả thi, ổn định, thống nhất, đồng bộ với các luật khác, bao quát toàn diện các vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đấu thầu và cơ chế kiểm tra, giám sát, giải quyết kiến nghị trong hoạt động đấu thầu.