Luật Cảnh sát cơ động: Đại biểu đề nghị làm rõ nhiệm vụ chống bạo loạn, khủng bố

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát cơ động, các Đại biểu Quốc hội đánh giá cao dự thảo Luật lần này đã được bổ sung thêm một số quy định nhằm cụ thể hóa trong 9 nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động. Tuy nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu để quy định cụ thể hơn nhiệm vụ chính của Cảnh sát cơ động là tránh chồng chéo nhiệm vụ của các lực lượng khác.

Là một bộ phận của lực lượng Công an nhân dân, Cảnh sát cơ động có tính đặc thù riêng là trấn áp, giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, biểu tình trái pháp luật, bạo loạn, khủng bố, bắt cóc con tin, các đối tượng có hành vi phạm tội nguy hiểm v.v. với việc sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu. Việc Quốc hội xem xét thông qua luật này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. 

Ông PHẠM ĐÌNH THANH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum: Tại dự thảo luật cũng dự kiến quy định Cảnh sát cơ động có nhiệm vụ sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu để chống hành vi bạo loạn, khủng bố, tôi nhận thấy quy định này đã thể chế hóa được quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 40 ngày 8/11/2004 của Bộ Chính trị về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác công an trong tình hình mới, đó là: Tăng cường lực lượng cảnh sát cơ động chống bạo loạn, chống khủng bố, bố trí lực lần này ở các địa bàn trọng điểm, với trang bị phù hợp và sự chỉ huy thống nhất.”

Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị quy định rõ hơn về nhiệm vụ chống hành vi bạo loạn, khủng bố của Cảnh sát cơ động. Dự thảo luật quy định Cảnh sát cơ động có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp huấn luyện công tác phòng, chống khủng bố cho các lực lượng chuyên trách, v.v. bao gồm cả lực lượng phòng, chống khủng bố của Bộ Quốc phòng là chưa phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống khủng bố năm 2013.

Ông LÊ NGỌC HẢI, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk: "Tôi đề nghị bổ sung cụm từ "trừ lực lượng chống khủng bố của Bộ Quốc phòng" sau cụm từ "tham gia chống khủng bố", tôi đề nghị biên tập lại cụ thể như sau: “Huấn luyện, bồi dưỡng điều lệnh quân sự, võ thuật, kỹ thuật, chiến thuật đối với cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động và cán bộ, chiến sĩ, học viên trong công an nhân dân, chủ trì, phối hợp huấn luyện công tác phòng, chống khủng bố cho các lực lượng chuyên trách và lực lượng được huy động tham gia chống khủng bố (trừ lực lượng chống khủng bố của Bộ Quốc phòng.”

Ông NGUYỄN TẠO, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Điều 9 của dự thảo Luật quy định 9 nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát cơ động nhưng chỉ có Điều 11, 12, 13 cụ thể hóa 3 nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát cơ động đó là bảo vệ sự kiện, mục tiêu quan trọng về chính trị kinh tế, ngoại giao, tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an ninh trật tự và trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân. Còn nhiệm vụ chính và cơ bản của lực lượng cảnh sát cơ động là chống hành vi bạo loạn, khủng bố thì dự thảo luật chưa quy định một cách rõ ràng, cụ thể.”

Bên cạnh đó, quy định Cảnh sát Cơ động sử dụng biện pháp vũ trang  và các biện pháp công tác khác  để thực hiện nhiệm vụ  là điều cần thiết.

Ông NGUYỄN THANH HẢI, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên-Huế: "Tại điểm b khoản 3 quy định giải tán các vụ tập trung đông người, gây rối an ninh, trật tự. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm cụm từ "gây nguy hiểm đến an toàn xã hội". Vì có những trường hợp tập trung đông người, không gây rối an ninh, trật tự nhưng gây nguy hiểm cho xã hội như trong thời gian qua do tình hình dịch COVID-19 gây nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe của người dân."

Trong quá trình tuần tra kiểm soát, Cảnh sát cơ động sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật và động vật nghiệp vụ theo kế hoạch, phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Quy định nhiệm vụ này là hợp lý và phù hợp với thực tế.

Quang Sỹ