Luật Cảnh sát cơ động: Đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm trường hợp cấp bách

Tại Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động trình Quốc hội xem xét, có quy định trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả, thiệt hại cho xã hội, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự. Tuy nhiên, tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu tỏ ý băn khoăn bởi quy định vẫn chưa đủ chặt chẽ.

Tán thành sự cần thiết cho phép cảnh sát cơ động huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong một số trường hợp đặc biệt để hoàn thành nhiệm vụ, song, đại biểu Bế Minh Đức đoàn Cao Bằng đề nghị, cần đưa ra các quy định chặt chẽ về phạm vi và thẩm quyền của cảnh sát cơ động được huy động để tránh lạm quyền cũng như tránh để xảy ra những hệ lụy không đáng có.

Ông BẾ MINH ĐỨC - Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng: “Về phạm vi các trường hợp được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự bao gồm cả trường hợp thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự tôi thấy chưa hợp lý. Vì hoạt động tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh, trật tự là hoạt động thường xuyên, không mang tính cấp bách. Việc huy động ở đây là con người, phương tiện, thiết bị dân sự, là tài sản của nhân dân, chưa kể đến những trường hợp chưa thực sự cần huy động, nhưng do việc sử dụng quyền huy động rộng quá, dễ quá nên cán bộ, chiến sĩ sẽ thiếu sự cân nhắc”. 

Một số đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ quy định về trường hợp cấp bách mà cảnh sát cơ động được quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự. Bởi, đây là nội dung quan trọng, liên quan trực tiếp đền quyền con người, quyền công dân và quyền tài sản.

Ông TRỊNH MINH BÌNH - Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long: “Nên làm rõ như thế nào gọi là cấp bách để chúng ta hiểu và thực hiện đúng, thống nhất trên cả nước, tránh trường hợp tỉnh này hiểu vấn đề này mang tính cấp bách nhưng ở tỉnh khác nó không cấp bách”.

Ông NGUYỄN HỮU CHÍNH - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “Cần phải quy định chặt chẽ nội dung này hoặc sau khi luật có hiệu lực pháp luật, chúng ta phải có văn bản hướng dẫn dưới luật quy định như thế nào là trường hợp cấp bách, để tránh sự lạm quyền của người thi hành công vụ, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, mặt khác giúp cảnh sát cơ động thuận tiện trong việc thực hiện nhiệm vụ này”.

Các đại biểu cũng đặt vấn đề, trong trường hợp thiết bị, phương tiện được huy động bị hỏng, thiệt hại thì sẽ được đền bù theo hình thức nào? Bởi, dự thảo luật chưa có quy định cụ thể cho tình huống này.

Ông TÔ VĂN TÁM - Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum: “Tôi nghĩ ở đây chúng ta nên quy định rõ ở khoản 3 Điều 16 này là được đền bù theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản, để khi nào xảy ra chúng ta có ngay chỗ để chúng ta chỉ rõ quy định ở điều luật đấy chúng ta áp dụng”.

Ông HOÀNG QUỐC KHÁNH - Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu: “Tôi cũng tìm các quy định và hiện nay cũng chưa thấy quy định nào cụ thể đền bù như thế nào. Trường hợp này tôi nghĩ cũng ít xảy ra trên thực tế. Nhưng nếu xảy ra thì sẽ như thế nào và liên quan đến đền bù thiệt hại về tài sản mà nhất là tài sản có giá trị, nếu không cẩn thận, không có quy định chặt chẽ sẽ dễ gây những chuyện đơn thư và từ đó việc huy động của người dân rất khó khăn”. 

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và an ninh, Thiếu tướng Lê Tấn Tới cho biết, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, lực lượng vũ trang nói chung, cảnh sát cơ động nói riêng cần được phép huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong một số trường hợp đặc biệt để đảm bảo khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Đây là các tình huống phát sinh ngoài dự kiến, rất đa dạng, khó lường. Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ nội dung này và bổ sung mục đích huy động.