Long An: Thanh long bị chặt bỏ 50%, làm sao để nông dân giữ lại vườn?

Những năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nông nghiệp Việt Nam gặp khó trong xuất khẩu nông sản. Đơn cử tại Long An, thanh long là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên, từ giữa năm 2021 đến đầu năm 2022, việc tiêu thụ thanh long của người dân gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thanh long xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Theo số liệu Cục Thống kê năm 2021, toàn tỉnh Long An có khoảng 11.600 ha thanh long, giảm khoảng 170 ha so với năm 2020. Diện tích thanh long giảm phần lớn do ảnh hưởng dịch Covid – 19, giá cả giảm mạnh, nông dân sản xuất không có lãi.

Ông ĐỖ VĂN THỊ - Huyện Tân Trụ, Tỉnh Long An: “Tôi đề nghị Chính phủ lần này, có chính sách đầu ra như thế nào đó để nhân dân tiếp tục giữ lại vườn thanh long, chứ hiện nay phần nhiều ở chỗ tụi tui chặt bỏ hết 50%. Chính phủ phải có con đường mạnh mẽ hơn, sáng suốt hơn chứ xuất khẩu sang Trung Quốc thì rất nguy hiểm cho nông dân.”

Hiện thanh long Long An tiêu thụ trên thị trường chủ yếu là trái tươi; trong đó, khoảng 15-20% sản lượng thanh long cung cấp cho thị trường nội địa; 80-85% tập trung cho xuất khẩu, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, nhưng đòi hỏi của thị trường này ngày càng cao.

Ông TRẦN VĂN LIÊM - Huyện Tân Trụ, tỉnh Long An: “Tôi kiến nghị lại nhà nước phải tổ chức lại sản xuất để làm sao có quy định, đầu ra chúng ta thoáng thì phân bón giá cũng chừng mức để người dân có thu nhập, làm có lãi. Nhiều khi được mùa mất giá, bây giờ hàng hoá mình làm không có chất lượng nên mình không trách người ta được.”

Sắp tới, ngành nông nghiệp tỉnh Long An cũng hướng tới việc quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; kết nối tiêu thụ với các nhà máy chế biến sản phẩm nông sản; tạo điều kiện và thu hút các nhà máy chế biến nông sản đặc biệt từ trái thanh long như nước ép, sấy khô, sấy dẻo, rượu vang thanh long.

Mỹ Tho