"Lời ru buồn" ở vùng cao Sơn La

Sơn La là tỉnh miền núi với trên 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, do trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức về pháp luật còn hạn chế nên tình trạng tảo hôn ở vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn diễn ra. Trong năm 2021 vừa qua địa phương này có gần 800 trường hợp tảo hôn, tập trung chủ yếu ở cộng đồng các dân tộc thiểu số như Mông, Khơ Mú, Xinh Mun.

Năm nay mới vừa tròn 17 tuổi, nhưng Lò Thị Khánh, dân tộc La Ha ở xã Noong Lay, huyện Thuận Châu đã bỏ học để lấy chồng, sinh con được 2 năm. Ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, khi bạn bè đang học hành chuẩn bị cho tương lai thì Khánh phải ở nhà để chăm con. Vì chưa đủ tuổi kết hôn nên 2 vợ chồng  chưa thể đăng kí kết hôn.

Em LÒ THỊ KHÁNH - Xã Noong Lay, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La: "Trong giấy khai sinh của con em chỉ có tên mẹ mà không có tên bố do chưa đủ tuổi kết hôn. Bây giờ em chỉ mong đến khi đủ tuổi để đăng kí kết hôn và khai sinh lại cho con".

Thời gian gần đây, ngày nào bà Tếnh Thị Long cũng buồn khóc khi có người nhắc đến con gái. Bà Tếnh vừa  giận vừa thương con bỏ cả học, bỏ cả nhà đi lấy chồng khi có 13 tuổi. 

Bà TẾNH THỊ LONG, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La: “Con của người khác đi lấy chồng sớm nhưng ít nhất phải 16 tuổi. Con của chị bé tí đi lấy chồng mà chị không yên tâm. Chưa nói đi làm, riêng bản thân nó nó còn chưa lo nổi”.

Tình trạng tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Sơn La vẫn diễn ra, chủ yếu ở độ tuổi từ 13 đến 16, do trình độ dân trí, hiểu biết về pháp luật và những hệ lụy của tảo hôn còn hạn chế. Theo thống kê, tỉ lệ tảo hôn tại tỉnh Sơn La đã giảm từ 21,2% năm 2015 xuống còn 13% năm 2021. 

Ông VÌ VĂN KHOA, Phó Chủ tịch UBND xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu , tỉnh Sơn La: “Trình độ am hiểu pháp luật của một số đồng bào còn hạn chế, kinh tế xã hội còn khó khăn. Dẫn đến tình trạng một số học sinh bỏ học lấy chồng, để lao động cùng với gia đình”. 

Ông THÀO XUÂN NẾNH, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La: “Để tuyên truyền cho các em học sinh đầu tiên. Các đoàn thể như trưởng bản, bí thư chi bộ, hội phụ nữ. Nhưng do lượng kinh phí ít không triển khai được nhiều. Giai đoạn hiện nay, để triển khai tiếp chỉ đạo của Trung ương nguồn kinh phí tích hợp vào đề án 88 của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Giờ này chưa thấy phân bổ kinh phí nên chúng tôi đang đợi”.

Trong khi chờ nguồn kinh phí từ trung ương rót về thì những “lời ru buồn” vẫn vang lên, những đám cưới của các cô bé cậu bé 14-15 tuổi vẫn diễn ra ở những bản mường vùng cao.  Nếu không có những giải pháp quyết liệt hơn,  thì khó có thể nâng cao chất lượng dân số ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.

Sơn Nam