Lĩnh vực nóng như thi hành án dân sự dễ phát sinh khiếu nại tố cáo

Thi hành án dân sự là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành tư pháp, đồng thời đây cũng là mảng công tác chủ yếu phát sinh khiếu nại, tố cáo của Bộ Tư pháp. Do đó tại buổi làm việc sáng nay 6/4, nội dung này được các thành viên Đoàn giám sát về việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021 quan tâm, yêu cầu làm rõ.

Là cơ quan “gác cổng” cho Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực, trong đó có quản lý nhà nước về thi hành án dân sự, vì vậy các thành viên Đoàn giám sát đề nghị, Bộ Tư pháp cần làm hết trách nhiệm của mình để tạo chuyển biến tích cực trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Ông ĐỖ VĂN ĐƯƠNG - nguyên Phó trưởng Ban Dân nguyện: “Qua thi hành án dân sự trong 5 năm qua, phát hiện được bao nhiêu trường hợp, phải cụ thể, thống kê ra bản án không rõ ràng, không thể thi hành án? Mình phát hiện xử lý vấn đề này như thế nào. Đây là vai trò của Bộ Tư pháp, quan điểm của bộ phải rõ.”

Bà PHẠM THỊ THANH MAI - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “Tỷ lệ để thi hành án được rất là thấp, phải chăng có điểm nghẽn trong tổ chức thực hiện. Trong giải pháp của Bộ Tư pháp có nêu ra củng cố, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tập huấn. Nhưng chúng tôi cho rằng ở đây đang không phân nhóm được để đưa ra được giải pháp cốt lõi., dẫn đến việc để có được sự chuyển biến tích cực trong công tác thi hành án dân sự là không dễ dàng gì.” 

Giải trình các vấn đề mà thành viên Đoàn giám sát đặt ra, đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp cho biết, thi hành án dân sự là lĩnh vực rất “nóng”, giải quyết các vụ việc về tiếp dân, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự trên thực tế là điều không dễ dàng.

Ông NGUYỄN QUANG THÁI - Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án Dân sự: “Nóng bởi cả 2 khía cạnh, cả bên đương, bên phải đều có thể khiếu nại, tố cáo, tiếp đoàn này mà không tiếp đoàn kia thì cũng không được. Việc tiếp công dân trong lĩnh vực này, nhìn khía cạnh bên ngoài mà cảm thấy không công bằng một chút là có vấn đề ngay. Cho nên chúng tôi rất chú trọng nội dung này, từ tổng cục đến các cục, chi cục trong toàn hệ thống quán triệt rất chặt chẽ việc thực hiện các quy định kể cả trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu."

Ngoài nội dung liên quan tới thi hành án dân sự, tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng trao đổi làm rõ lý do chậm ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; làm rõ lý do còn 275 vụ việc khiếu nại, tố cáo đang chưa giải quyết; nêu rõ hướng, lộ trình giải quyết đối với 5 vụ việc phức tạp, kéo dài mà đương sự tiếp tục khiếu nại, tố cáo trong tổng số 20 vụ việc được nêu trong báo cáo.

Xử lý việc lợi dụng quy định về tiếp công dân để khiếu nại tố cáo

Kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát và có báo cáo bổ sung sớm nhất. Nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyên đề giám sát này, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ chỉ chỉ rõ những vướng mắc, có kiến nghị cụ thể về việc hoàn thiện chính sách pháp luật, xử lý việc khiếu nại, tố cáo sai, lợi dụng quy định về tiếp công dân để khiếu nại tố cáo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, Bộ Tư pháp tiếp tục làm rõ các nội dung về kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo một cách trung thực, khách quan trên cơ sở hệ thống cơ sở số liệu, dữ liệu của bộ, bảo đảm tính toàn diện, cũng như tính trọng tâm trọng điểm. Từ thực tiễn, báo cáo rõ hơn công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo nói chung và của Bộ nói riêng, nhất là tình hình khiếu nại tố cáo vượt cấp, các vụ việc tồn đọng, nguyên nhân, đề xuất giải pháp dự liệu trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG - Trưởng Đoàn giám sát: “Tâm lý, nguyện vọng của người dân bao giờ cũng muốn gặp người đứng đầu. Người đứng đầu có cơ hội để nắm được bao quát và chỉ đạo tổng thể việc giải quyết. Giá trị các quyết định của người đứng đầu có giá trị thực thi, có hiệu quả hơn quyết định của cấp phó. Đó cũng là lý do vì sao luật đã quy định người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp tiếp công dân. Tuy nhiên cũng đề nghị có quy định trong luật phù hợp với thực tiễn như nhiều bộ, ngành đã đề nghị.”

Trưởng đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Bộ Tư pháp làm rõ hơn việc giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến thi hành án dân sự; về tổ chức bộ máy, công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên phương châm, coi đây là biện pháp từ sớm, từ xa để giảm khiếu nại tố cáo và thực hiện trách nhiệm công vụ của cơ quan công quyền.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung các nội dung khác như: Mối quan hệ giữa luật hình thức và luật nội dung; Các vụ án hành chính, dân sự ngày càng tăng; Chất lượng bản án đã tuyên. Làm rõ vì sao tỷ lệ đơn thư khiếu nại tố cáo sai lại nhiều; chế tài bảo vệ người tố cáo và xử lý khiếu nại, tố cáo sai, vu khống, lợi dụng quy định về tiếp công dân để khiếu nại tố cáo; đề xuất cơ chế để giải quyết các vụ tồn đọng đã hết thẩm quyền giải quyết nhưng người dân vẫn đeo bám khiếu nại, tố cáo.

Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ Tư pháp đề xuất một số vụ việc cụ thể ở địa phương để Đoàn giám sát, vừa góp phần củng cố cho đánh giá nhận định, vừa tạo động lực, sức lan tỏa, cảm hứng hành động cho các cấp sau chuyên đề giám sát này. Với nhiệm vụ đầu mối được Chính phủ giao rà soát văn bản luật và quy phạm pháp luật, Bộ thống kê danh mục mâu thuẫn và đề nghị sửa đổi cho cả 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm nay.

Khắc Phục