Liệu đề xuất áp giá khí đốt mới của EU có khả thi ?

Sau nhiều tháng căng thẳng và tranh cãi về câu chuyện áp giá trần lên khí đốt và dầu của Nga nhằm phản ứng với chiến dịch quân sự đặc biệt mà nước này phát động tại Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng cũng đã đưa ra được một đề xuất cụ thể.

Theo đó, khối này vừa đề xuất áp giá trần khí đốt ở mức 275 euro (tương đương 283 USD) mỗi megawatt giờ (MWh). Phía EU khẳng định đây là một công cụ mạnh đồng thời là giải pháp cuối cùng để ngăn chặn tình trạng giá khí đốt tăng cao, kiểm soát nhu cầu hướng tới đảm bảo cung cấp đủ khí đốt cho châu Âu.

Theo đề xuất mới được Uỷ ban châu Âu đưa ra, Liên minh châu Âu sẽ áp giá trần khí đốt ở mức 275 euro/MWh. Mặc dù không công bố công thức tính toán cụ thể để đưa ra mức giá này nhưng các chuyên gia năng lượng cho rằng việc tính mức giá trần này chịu ảnh hưởng rất lớn bởi đợt tăng giá cao chưa từng thấy hồi cuối tháng 8 vừa qua là gần 350 euro/MWh.

Bà KADRI SIMSON, Uỷ viên phụ trách năng lượng của Uỷ ban châu Âu: "Đây không phải là sự can thiệp theo quy định để áp giá một mức giá khoong có thật trên thị trường. Đây là cơ chế cuối cùng để ngăn chặn, và nếu cần thiết, có thể giải quyết tình trạng giá dầu tăng quá mức, không phù hợp với xu hướng toàn cầu."

Các đề xuất sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị bộ trưởng năng lượng EU dự kiến diễn ra ngày 24/11 (theo giờ địa phương). Nếu được thông qua, EU sẽ áp mức giá trần khí đốt này vào tháng 1/2023.

NHIỀU QUAN ĐIỂM TRÁI CHIỀU

Ngay sau khi Uỷ ban châu Âu đưa ra con số, các nước thành viên EU đã đưa ra nhiều ý kiến trái chiều. Phía Hy Lạp cho rằng mức giá trần 275 euro/MWh mà Uỷ ban châu Âu đề xuất là quá cao, rất nhiều quốc gia châu Âu không thể mua được khí đốt một cách lâu dài và cần phải hạ mức giá trần này xuống mức từ 150 euro đến 200 euro/MWh.

Một số nước như Ba Lan, Bỉ hay Tây Ban Nha ủng hộ mức giá trần trong khi Đức và Hà Lan hiện vẫn chưa thể hiện quan điểm ủng hộ hay phản đối mức giá mà Ủy ban châu Âu đề xuất. Do đó, cuộc họp của Bộ trưởng Năng lượng các nước EU trong ngày 24/11, dự kiến sẽ rất phức tạp bởi khó có thể đạt được một chính sách năng lượng đáp ứng được với điều kiện của tất cả 27 nước thành viên EU.

Thủ tướng Ba Lan MATEUSZ MORAWIECKI: “Chúng tôi là một trong những quốc gia đầu tiên ủng hộ việc đưa ra quy định này của châu Âu. Nhưng mức giá đề xuất này thực sự là rất cao. Điểm mấu chốt là giữ giá ở mức chấp nhận được trong điều kiện khủng hoảng hiện nay. Và mức giá EU đề xuất khiến tôi lo lắng”

Do đó, Uỷ ban châu Âu cho biết việc kích hoạt cơ chế áp giá trần năng lượng chỉ là giải pháp cuối cùng và đây cũng chỉ là một giải pháp tạm thời. Cơ chế này cũng có thể bị tạm ngưng bất kỳ thời điểm nào nếu không đáp ứng đủ 2 điều kiện kích hoạt hoặc nếu như Uỷ ban châu Âu nhận thấy có nguy cơ đe doạ đến nguồn cung khí đốt, đến nỗ lực cắt giảm tiêu thụ khí đốt hay đến việc luân chuyển khí đốt trong nội bộ EU.

Đỗ Lê Ngọc Anh