Liên minh châu Âu đau đầu vì người tị nạn

Cuộc xung đột Nga – Ukraine diễn ra hơn 1 tháng qua đang tạo ra một cuộc khủng hoảng di cư mới cho Châu Âu. Các nước Liên minh Châu Âu đang phải đau đầu về việc phân bổ và hỗ trợ dòng người khổng lồ từ Ukraine này ra sao cho các nước thành viên.

Trong cuộc họp Bộ trưởng nội vụ các nước Liên minh Châu Âu diễn ra đầu tuần này, Bộ trưởng nội vụ Đức Nancy Faeser đã lên tiếng kêu gọi Liên minh Châu Âu cần đoàn kết trong vấn đề người tị nạn, để tránh một cuộc khủng hoảng tương tự như năm 2015.

Bà NANCY FAESER, Bộ trưởng nội vụ Đức: “Chúng ta cần phải nhanh chóng có sự phân phối những người tị nạn trong toàn khối và cần phải có sự đoàn kết trong vấn đề này. Chúng tôi cho rằng, EU cũng cần phải xác định cụ thể những điều quan trọng, như là tạo làn đường vận chuyển người tị nạn an toàn như thế nào từ điểm A đến điểm B.”

Trước đó, Đức và Balan đã gửi một bức thư tới Uỷ ban Châu Âu về vấn đề tương tự và cho rằng nguồn lực cũng như năng lực tiếp nhận của từng nước riêng lẻ sẽ không đủ để đối phó với dòng người ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, đề xuất của Đức và Ban Lan đã bị Ủy viên châu Âu về các vấn đề nội vụ bác bỏ.

Bà YLVA JOHANSSON, Ủy viên châu Âu về các vấn đề nội vụ: “Chúng ta sẽ không làm việc dựa trên bất cứ hạn ngạch hay bất cứ sự phân bổ cụ thể nào liên quan quan đến người nhập cư. Tiếp nhận người nhập cư là vấn đề tự nguyện của các nước thành viên. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là mỗi thành viên nên dang rộng vòng tay để đón người tị nạn như chúng ta đã làm.

Việc phân bổ hạn ngạch người tị nạn cho mỗi quốc gia có thể lặp lại sự thất bại của cuộc khủng hoảng di cư của Liên minh Châu Âu năm 2015- 2016 khi 27 quốc gia thành viên tranh cãi gay gắt về việc phân chia hạn ngạch người lánh nạn từ Syria. Thay vì phân phối người tị nạn theo hạn ngạch, Liên minh Châu Âu đã huy động được khoảng 17 tỷ euro nhằm hỗ trợ các nước thành viên ứng phó với cuộc khủng hoảng, trong đó gồm xây dựng địa điểm tiếp nhận, sắp xếp nơi cư trú cũng như an sinh tối thiểu cho người tị nạn.

Theo thống kê mới nhất của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), đã có tới 3,9 triệu người Ucraina rời bỏ đất nước sang các nước trong Liên minh Châu Âu để lánh nạn. Và con số này có thể lên đến 8 triệu người nếu cuộc chiến vẫn tiếp diễn. Đây được coi là một cuộc khủng hoảng về tị nạn nghiêm trọng nhất châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.

Hồng Nhung