Liên minh Châu Âu chưa đồng thuận về gói trừng phạt thứ 6 với Nga

Liên minh Châu Âu (EU) vẫn chưa đạt được đồng thuận về gói trừng phạt thứ 6 đối với Nga, trong đó có nội dung về cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga. Lệnh cấm được Ủy ban châu Âu đề xuất vào đầu tháng 5 vừa qua và được đánh giá sẽ là biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất nhằm vào Nga, liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga là một trong những nội dung chính tại Hội nghị Ngoại trưởng Liên minh Châu Âu (EU), diễn ra ngày hôm qua 16/5, tại thủ đô Brussels (Bỉ). Tuy nhiên, phát biểu với báo giới sau khi kết thúc cuộc họp, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, Josep Borrell, cho biết, EU đã không đạt được sự đồng thuận về gói trừng phạt thứ 6 đối với Nga do những khó khăn mà một số quốc gia thành viên không giáp biển đang gặp phải. 

Ông JOSEP BORRELL, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU: “Chúng tôi sẽ tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận. Đáng tiếc là hôm nay chúng tôi chưa thể đạt được đồng thuận để thông qua gói trừng phạt thứ 6. Vấn đề này sẽ được chuyển tới Ủy ban của các đại diện thường trực và sẽ được các đại sứ tiếp tục thảo luận.”

Theo ông Josep Borrell, lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ đề sẽ tiếp tục được bàn thảo Hội nghị thượng đỉnh EU bất thường dự kiến diễn ra vào ngày 30-31/5 tới. 

Ban đầu, Ủy ban Châu Âu có kế hoạch ngừng nhập khẩu dầu thô của Nga trong vòng 6 tháng và ngừng nhập khẩu các sản phẩm tinh chế vào cuối năm 2022, nhưng riêng Hungary và Slovakia được hoãn đến cuối năm 2023.

 Ngoại trưởng Đức ANNALENA BAERBOCK: “Điều quan trọng là đảm bảo mọi quốc gia có thể cùng nhau đồng hành trên con đường loại bỏ dầu thô. Chúng tôi ý thức được rằng lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga là không hề dễ dàng. Còn một số vấn đề cần giải quyết và chưa thể hoàn thành ngay ngày hôm nay, nhưng tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ đạt được đồng thuận trong những ngày tiếp theo.”

Để đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi cuối tháng 3/2022 đã ký sắc lệnh quy định tất cả các hợp đồng cung cấp khí đốt với các công ty đăng ký hoạt động tại các quốc gia "không thân thiện" chỉ được thanh toán bằng đồng ruble bắt đầu từ ngày 1/4. Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga mới đây đã ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria sau khi cả hai đều từ chối thanh toán bằng đồng ruble.

Kim Ngọc