Liên hợp quốc thông qua thoả thuận lịch sử bảo vệ đại dương

Hiện nay, đại dương chiếm khoảng 70% diện tích bề mặt trái đất. Không chỉ là nơi sinh sống của vô số loài sinh vật biển, nơi đây còn lưu trữ nhiều đặc tính địa chất của hành tinh, góp phần làm đa dạng sinh học. Nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này, sau gần 20 năm đàm phán, LHQ đã thông qua văn bản của hiệp ước quốc tế đầu tiên, hướng đến phát triển bền vững môi trường đại dương và biển cả.

Hiệp ước biển cả được xem là thỏa thuận lịch sử để bảo vệ vùng biển quốc tế đã đạt được tại LHQ, với sự đồng thuận của các quốc gia thành viên. Theo đó, một khung pháp lý chung cho các phần của đại dương bên ngoài biên giới quốc gia đã đạt được sự thống nhất.

Theo giới quan sát, hiệp ước lịch sử này có vai trò rất quan trọng để thực thi cam kết 30x30 của Công ước Đa dạng sinh học được LHQ triển khai hồi tháng 12/2022. Theo đó, hiệp ước sẽ đề ra các giải pháp nhằm bảo vệ 1/3 biển và đất liền vào năm 2030.

Hiện nay, các hệ sinh thái đại dương tạo ra một nửa lượng O2 mà chúng ta hít thở, chiếm 95% sinh quyển của hành tinh. Không những vậy, đại dương còn hấp thụ CO2, đóng vai trò là bể chứa C02 lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, cho đến nay, các quy tắc quản lý biển chưa thực sự được triển khai hợp lý, đã khiến khu vực này dễ bị khai thác, gây ảnh hưởng đến môi trường.

Trước tình hình đó, hiệp ước sẽ cung cấp khung pháp lý để thiết lập các khu bảo tồn biển nhằm bảo vệ động vật biển và nguồn gen của biển cả. Ngoài ra, một hội nghị của các nước thành viên COP cũng sẽ được triển khai định kỳ, các quốc gia này sẽ có trách nhiệm giải trình về quản trị đa dạng sinh học.

QT