Lịch tiếp dân dán trong cơ quan, nhưng bảo vệ gác bên ngoài ai đến được?

Sáng 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 - 1/7/2021”. Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định việc lãnh đạo "ngại tiếp dân là có", trong khi đó, có nhiều khó khăn để người dân đến các buổi tiếp dân của lãnh đạo.

khi cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong 5 năm, từ 1/7/2016 đến 1/7/2021, các đại biểu đề nghị phân tích làm rõ các con số nêu trên, và đề xuất các giải pháp để khắc phục tình trạng này.

Cho rằng con số 49% Chủ tịch xã trực tiếp tiếp công dân là điều rất vô lý, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh đặt vấn đề, phải chăng mô hình tiếp công dân tại cấp này chưa thực sự hiệu quả?

Bà NGUYỄN THỊ THANH, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH: "Tỷ lệ tiếp công dân của chủ tịch UBND cấp xã thấp là điều rất vô lý, bởi đây là cấp gần dân, sát dân nhất, những vấn đề xảy ra tại địa phương thì người đứng đầu phải biết đầu tiên. Có thể công dân đến nhiều lần nhưng thấy chủ tịch UBND cấp xã không giải quyết được vấn đề gì nên bỏ qua cấp này đ ể đến thẳng cấp tỉnh. Cần làm rõ nguyên nhân việc chủ tịch UBND cấp xã tiếp công dân đạt tỷ lệ thấp để có giải pháp".

Các thành viên UBTVQH cũng đề nghị, cần làm rõ địa chỉ, trách nhiệm, nhấn mạnh trách nghiệm người đứng đầu trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội TRẦN THANH MẪN: "Chính quyền thực hiện tốt việc công khai, minh bạch trách nhiệm giải trình quản lý nhà nước thi hành công vụ, nhất là những công việc liên quan trực tiếp đến người dân. Khẩu hiệu dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra có được thực hiện đúng không? Bên cạnh đó là việc kịp thời giải quyết có lý, có tình khiếu kiện, tố cáo ngay từ cơ sở, nơi phát sinh vụ việc."

Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: "Nói thực là tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo là việc rất khó, rất đụng chạm và phải thực sự tâm huyết và chuẩn bị rất kỹ ấy chứ còn tình trạng gọi là ngại tiếp dân là có chứ không phải không có ngại tiếp trốn, tránh tiếp là có ấy rồi là có khi lại bảo là có niêm yết công khai, có công khai lịch tiếp nhưng mà không có Sơn đến thì bởi vì là ông công khai lịch ở trong cơ quan, trong cơ quan ngoại và bảo vệ gác thì ai đến được biết, ông tiếp, cần phải chấn chỉnh."

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần xem xét tính khả thi quy định của pháp luật về tiếp công dân trong đó có quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân để bảo đảm phù hợp với thực tế cũng như chấn chỉnh việc thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: "Quy định pháp luật là phù hợp nhưng không tổ chức thực hiện hay không thực hiện được? Chúng ta tăng cường trách nhiệm người đứng đầu có khả thi hơn không? Ông thủ trưởng có cấp phó, thay mặt cho thủ trưởng có được không? Do điều kiện tổ chức chưa làm nghiêm thì phải tổ chức cho nghiêm."

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng nêu rõ, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là lĩnh vực rộng, liên quan đến cả hệ thống chính trị. Chính phủ xem đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên theo chức năng nhiệm vụ và theo quy định của luật. Đồng thời khẳng định Chính phủ sẽ tiếp thu và thực hiện nghiêm túc các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, kiến nghị của đoàn giám sát.

Anh Đức