• 1460 lượt xem
  • 03:21 26/02/2023
  • Văn hóa

Lễ tế trời ở Đàn Nam Giao - Văn hóa cung đình độc đáo từ thời nhà Nguyễn

Do ảnh hưởng hệ tư tưởng Nho giáo, trong lịch sử nhiều triều đại phong kiến Việt Nam đã lập đàn tế trời, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Đàn Nam Giao tại cố đô Huế là đàn tế trời vẫn còn khá nguyên vẹn cho đến ngày hôm nay.

Đàn Nam Giao nằm trên trục chính Nam của Kinh thành Huế, cách Kỳ Đài khoảng hơn 3km. Công trình được khởi công năm 1806 và chỉ sau đó 1 năm, dưới triều vua Gia Long, lễ tế giao đầu tiên được tổ chức.

Nằm trên khuôn viên hình chữ nhật với diện tích hơn 103.000 m2, đàn Nam Giao gồm 3 tầng xây chồng lên nhau, tượng trưng cho”Tam tài”: Thiên – Địa – Nhân. Tầng đầu tiên là Nhân đàn, tượng trưng cho con người. Tiếp nối là tầng thứ 2 hình vuông, gọi là Phương đàn, tương trưng cho đất. Và tầng trên cùng có hình tròn, gọi là Viên đàn – nơi hợp tế trời và đất.

Mùa xuân hàng năm, nhà Nguyễn lại tổ chức lễ tế giao, đến triều vua Thành Thái thì định lại 3 năm tế 1 lần vào các năm: Tý, Mão, Ngọ, Dậu. Lễ tế giao cuối cùng của triều Nguyễn được tổ chức vào rạng sáng 23/3/1945 dưới thời vua Bảo Đại.

Trong khuôn khổ Festival Huế 2004, lần đầu tiên sau gần 60 năm vắng bóng, lễ tế giao đã được phục dựng. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã từng bước trùng tu di tích này, mở cửa đón khách tham quan. Giờ đây, Đàn Nam Giao là nơi gửi gắm ước mơ, hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp.

Tiểu Bảo