Lấy tiền của lĩnh vực y tế làm việc khác, người ngành y sẽ tủi thân

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét về việc giao danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách trung ương kế hoạch năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Liên quan đến kiến nghị của Chỉnh phủ về việc điều chỉnh 932 tỷ đồng còn dư của lĩnh vực y tế, lĩnh vực an sinh xã hội, lao động, việc làm sang lĩnh vực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, các thành viên UBTV cho rằng điều này là không phù hợp.

Chính phủ trình UBTVQH xem xét, quyết định điều chỉnh số vốn 932 tỷ đồng còn dư của lĩnh vực y tế  và an sinh xã hội, lao động việc làm  do các bộ, cơ quan trung ương không đề xuất sử dụng, chuyển sang lĩnh vực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng để bổ sung và đầu tư cho 3 dự án thuộc ngành giao thông.

Ông TRẦN QUỐC PHƯƠNG, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Phần dư là 932 tỷ, nếu giữ lại thì phải mất nhiều thời gian tìm dự án phù hợp với tiêu chí, nguyên tắc và triển khai thủ tục tiếp theo. Để sử dụng đồng vốn hiệu quả, Chính phủ đề xuất bổ sung cho 3 dự án giao thông sắp hoàn thành”.

Ông ĐỖ XUÂN TUYÊN, Thứ trưởng Bộ Y tế: "Chúng tôi chỉ còn 13.144 tỉ đồng, thấp hơn 802 tỉ đồng so với tổng nguồn vốn 14.000 tỉ đồng mà Quốc hội bố trí cho lĩnh vực y tế, giảm 541 tỉ của 80 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, 80 bệnh viện này đưa lên căn cứ theo tiêu chuẩn của Nghị quyết 43 và 11 thì không đạt yêu cầu. Nhu cầu đầu tư cho y tế rất lớn nhưng phải bám vào tiêu chí, tiêu chuẩn”.

Tuy nhiên, đa số ý kiến thành viên UBTV QH cho rằng, việc điều chuyển như vậy là vượt cơ cấu vốn, không phù hợp theo quy định của Nghị quyết 43. Đồng thời đề nghị không điều chỉnh sang lĩnh vực khác mà tiếp tục sử dụng cho các nhiệm vụ, dự án thuộc lĩnh vực xã hội chưa được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn hoặc bố trí vốn chưa đầy đủ để triển khai thực hiện. 

Ông VŨ HỒNG THANH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: “Vừa qua chúng tôi đi làm việc tại Hà Nam thì được biết 2 Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 tại đây xây xong nhưng chưa hoạt động được vì không có tiền mua thiết bị. Sao không rà soát bố trí số tiền này để mua thiết bị cho 2 bệnh viện này hoạt động?”.

Ông Đặng THUẦN PHONG, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội: "Ngành y đề nghị rà soát tiếp, sau này có vấn đề gì thì trình xin bổ sung chứ giai đoạn này ngành y đang thiếu ghê gớm. Tâm lý trong ngành, số người rời nhiệm sở, xin nghỉ việc, bỏ ngành rất là nhiều, trên 9.400 người. Hàng loạt vấn đề khác đang đặt ra mà bây giờ lấy tiền đó đi làm việc khác, tôi thấy tủi thân. Tôi ủng hộ giữ lại số này. Sau này, ngành y tế rà soát để điều chỉnh, bổ sung, cho anh em có tâm lý và động lực hơn".

Ông HOÀNG THANH TÙNG, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: "932 tỉ còn dư của lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, việc làm, về nguyên tắc chúng tôi ủng hộ ý kiến nên tập trung cho lĩnh vực y tế, khi các dự án đủ điều kiện đầu tư. Nếu chúng ta phân bổ cho lĩnh vực giao thông, thì kết cấu hạ tầng giao thông bao nhiêu cũng không đủ, trong khi lĩnh vực y tế, an sinh xã hội cũng rất cần. Chỉ là bây giờ có những nhiệm vụ cụ thể chưa đáp ứng được điều kiện để phân bổ vốn. Các đồng chí cố gắng hoàn thành thủ tục để phân bổ vốn, không nên chuyển lĩnh vực khác, nhất là giao thông”.

Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN ĐỨC HẢI: “Yêu cầu ngành y tế khẩn trương báo cáo, bổ sung các thủ tục, cái gì đủ thủ tục thì làm, ngành thương binh - xã hội cũng vậy. Còn ngành giao thông, khả năng hoàn thành vốn là còn nhiều điều, nên cần điều chỉnh hợp lý. Lấy vốn từ lĩnh vực này thì cũng nhỏ, không đáng kể mà mất thủ tục giải trình.”

Kết luận phiên làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ rà soát bổ sung khoản 932 tỉ đồng này cho các dự án lĩnh vực y tế, an sinh xã hội. Còn 3 dự án giao thông nếu cần thiết thì bố trí vốn từ lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông chứ không chuyển các lĩnh vực như đề nghị.

Như Thảo