Thành lập thị xã Chơn Thành - đòn bẩy phát triển kinh tế Bình Phước

Việc thành lập thị xã Chơn Thành và thành lập các phường thuộc thị xã Chơn Thành sẽ tạo điều kiện phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, của tỉnh, của kinh tế khu vực phía Nam. Tuy nhiên, một số vấn đề cũng cần phải lưu ý như định hướng quy hoạch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp với quy hoạch.

Cho ý kiến về nội dung này, các thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội  cơ bản tán thành với sự cần thiết thành lập thị xã Chơn Thành và 05 phường thuộc thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Việc thành lập phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu tổ chức quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn đã được đô thị hóa, tạo điều kiện phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương các cấp và cũng là động lực phát triển khu vực, kinh tế phía Nam.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Chơn Thành tỉ lệ lao động phi nông nghiệp là gần 71%, riêng phần nội thị thị xã Chơn Thành là gần 82%. Công nghiệp phát triển nhanh, gắn công nghiệp hóa và đô thị hóa. Khả năng phát triển còn lớn cả về đô thị và công nghiệp. Rất hoan nghênh tỉnh có kế hoạch triển khai, đặc biệt là vấn đề quy hoạch. Tương lai phát triển khu vực này là động lực cho cả tỉnh Bình Phước và khu vực miền Trung Tây Nguyên".

Tuy nhiên một số đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần báo cáo về cách thức áp dụng pháp luật trong phân loại đô thị; cách tính tỷ lệ cử tri, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; diện tích một số phường khá lớn đòi hỏi phải chú ý trong quản lý đô thị về sau này; thực trạng xử lý nước thải tại các địa phương. Đặc biệt cần hoàn thiện bộ máy hành chính sau khi được thành lập.

Bà NGUYỄN THỊ THANH, Trưởng Ban công tác đại biểu: “Trong nghị quyết 1211, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm đến vấn đề tổ chức bộ máy, cán bộ công chức trên địa bàn cần thành lập. Do vậy, đề nghị bổ sung hiện trạng của hệ thống chính trị huyện, xã hiện nay. Trên cơ sở hiện trạng, làm rõ tổ chức bộ máy, cơ chế, cơ cấu cán bộ công chức của huyện phục vụ cho việc thành lập thị trấn, phường, đáp ứng yêu cầu vận hành của bộ máy trong thực hiện Nghị quyết." 

Ông NGUYỄN PHÚ CƯỜNG, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội: “Đất nông nghiệp thì rất nhiều nhưng đất xây dựng, đất dân cư thì ít. Phải quy hoạch lại vùng đô thị trong trung tâm đô thị của thị xã".

Một số đại biểu cũng yêu cầu cần báo cáo thêm về định hướng quy hoạch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp với quy hoạch.

Giải trình về nội dung này, Bí thư tỉnh Ủy tỉnh Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường cho biết huyện Chơn Thành là một huyện trọng điểm, vùng động lực trọng điểm của tỉnh cả về đô thị hoá và công nghiệp của tỉnh. Đối với những vấn đề các thành viên UBTVQH nêu tỉnh đang hoàn thiện, bổ sung, với tiêu chí còn thiếu như xử lý nước thải sinh hoạt hiện huyện đang xây dựng thêm nhà máy thu gom nước thải sinh hoạt.

Ông NGUYỄN MẠNH CƯỜNG, Bí thư Tỉnh Ủy tỉnh Bình Phước: "Từ năm 2020 việc thu gom xử lý nước thải trong dân cư khu vực đô thị đang sử dụng chung với các khu công nghiệp trên địa bản. Hiện huyện đang có kế hoạch xây dựng trạm xử lý nước thải để tách riêng với các khu công nghiệp." 

Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch xây dựng và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, đề nghị Chính phủ rà soát tất cả các huyện trên cả nước, huyện nào chưa có thị trấn, huyện lỵ thì phải lập danh sách, có kế hoạch quan tâm đầu tư và hỗ trợ địa phương để hoàn chỉnh các thủ tục trình Ủy ban TVQH, đảm bảo sớm đạt yêu cầu 100% các huyện trên cả nước có thị trấn, huyện lỵ.

Sau khi thảo luận 100% thành viên UBTVQH tán thành thông qua nghị quyết về việc thành lập thị xã Chơn Thành và 05 phường thuộc thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. 

Diệu Huyền