Lãng phí trong cải cách thủ tục hành chính là lãng phí niềm tin của nhân dân

Chiều 1/6, tại phiên thảo luận tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, đại biểu Trần Văn Khải đoàn Hà Nam nhấn mạnh, trong phiên thảo luận về kinh tế-xã hội, đã có 154 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu với mong muốn phản ánh ý kiến của Nhân dân và cử tri cả nước.

Tham gia vào nội dung Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, vẫn còn hạn chế về công tác đầu tư công, thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn. Việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đạt được thực hiện hiệu quả. Ngoài ra, đại biểu Trần Văn Khải cũng nhấn mạnh, chúng ta còn lãng phí trong cải cách thủ tục hành chính. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng đã cho biết, qua kiểm tra, các địa phương, Bộ ngành cũng phát sinh thủ tục mới. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang lãng phí niềm tin của Nhân dân vào cơ quan công quyền.

Với những bất cập trên, đại biểu Trần Văn Khải đề xuất một số giải pháp:

Một là: đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao Uỷ ban Pháp luật chủ trì với các cơ quan của Quốc hội ngay trong năm 2024 thực hiện giám sát chuyên đề "việc thực hiện chính sách pháp luật của cán bộ, công chức theo Luật cán bộ, công chức trong năm 2022” trên phạm vi cả nước. Trong đó, tập trung vào nghĩa vụ, quyền của cán bộ, công chức (Chương II) và Những việc cán bộ, công chức không được làm tại Mục 4, Điều 18 quy định những điều bị cấm liên quan đến đạo đức công vụ: Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao, gây bè phái, mất đoàn kết, tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công.

Kết quả giám sát sẽ cho chúng ta kết quả: Ví dụ như ở Tp.Hồ Chí Minh, trong năm 2022, trong số 584 văn bản gửi hỏi Bộ kế hoạch đầu tư thì: (1) có bao nhiêu văn bản thuộc thẩm quyền của thành phố mà không giải quyết, vẫn hỏi để né việc, đẩy việc nên cấp trên; (2) Có bao nhiêu văn bản trong tổng số 584 văn bản thì có bao nhiêu văn bản có nội dung hỏi là những quy định của pháp luật chưa rõ, không khả thi, chồng chéo. Như vậy mới chỉ ra căn nguyên của hiện tượng này, vừa có cơ sở để đánh giá khách quan và xử lý cán bộ vi phạm luật cán bộ, công chức. Đồng thời, kịp thời tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, Chính phủ sửa đổi kịp thời các vướng mắc.

Hai là: Chúng ta thật khẩn trương, tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng phải tập trung cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm ngươi đứng đầu. Từng cấp, từng ngành, từng địa phương Xây dựng quy trình hóa, cá nhân hóa trách nhiệm từng công việc, từng lĩnh vực, lấy hiệu quả thực sự làm cơ sở đánh giá cán bộ. Tiếp tục chỉ đạo siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong toàn hệ thống chính trị, nhấn mạnh việc phân công, giao nhiệm vụ rõ người, rõ việc, rõ thời hạn, đi liền với thường xuyên kiểm tra, giám sát. Khi mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương đều quan tâm, kiên quyết thực hiện cá thể hóa trách nhiệm, chắc chắn sức mạnh của hệ thống chính trị sẽ ngày càng được củng cố.

Ba là, đề nghị Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp tăng cường thực hiện chức năng giám sát, chất vấn, tái chất vấn và yêu cầu giải trình nhằm nâng cao trách nhiệm cá nhân của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo.

Qua các Phương tiện thông tin đại chúng, đại biểu Trần Văn Khải kêu gọi toàn thể các công chức trên cả nước hãy chuyển biến thật nhanh, theo kịp tình hình, bằng tác phong phục vụ hãy hành động bằng mong muốn, khát khao đưa Bộ ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, quê hương mình phát triển đột phá cùng đất nước vượt qua khó khăn, phát triển nhanh và bền vững.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!