Lãng phí tại các dự án ký túc xá sinh viên: Giải ngân 82 tỷ, dự án vẫn dừng triển khai

Trong chiều 01/08, Đoàn Giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 do việc Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Bộ Xây dựng về nội dung này.

Điểm danh các dự án ký túc xá sinh viên ở quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng gần 20 năm bỏ hoang đến nay đã bị xuống cấp;  dự án KTX sinh viên Pháp Vân-Tứ Hiệp sử dụng không hiệu quả khi hệ số sử dụng chỉ đạt 58%; hay Dự án Khu ký túc xá sinh viên cụm trường tại Chí Linh – Hải Dương đang phải tạm dừng do thiếu vốn…, các thành viên đoàn giám sát đề nghị Bộ Xây dựng làm rõ sự lãng phí của  đầu tư nhà nước đối với các dự án này.

Ông BÙI VĂN CƯỜNG, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: “ Ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp mà Chủ tịch Quốc hội nhiều lần nhắc, cũng bỏ bao nhiêu năm thì các đồng chí ước lượng xem một năm, ký túc xá đấy, với diện tích như thế sẽ cho thuê được bao nhiêu hay là cho sinh viên ở thì được nó sẽ thu được nguồn lực như thế nào, hay là tiền mình đầu tư xây, mình để gửi tiết kiệm thì nó sẽ ra bao nhiêu tiền. Chưa kể đất đai, đất Hà Nội và những cái vị trí như thế nó sẽ làm bao nhiêu? Mình lượng hóa ra sẽ thấy thất thoát đấy không phải là nhỏ".

Bà CAO THỊ XUÂN, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: Có hai dự án trong đó có Dự án ký túc xá sinh viên cụm trường tại Chí Linh, Hải Dương do Sở Xây dựng của tỉnh Hải Dương làm chủ đầu tư. Dự án này có vốn trái phiếu Chính phủ, đã giải ngân 82 tỷ đồng và hiện nay đang dừng triển khai”.

Ông NGUYỄN THANH NGHỊ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng: “Đối với dự án nhà ở sinh viên ở khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp, Chính phủ có văn bản chỉ đạo UBND TP Hà Nội thực hiện việc chuyển đổi theo thẩm quyền, theo quy định. Hiện nay UBND thành phố Hà Nội đang hoàn thiện hồ sơ để điều chỉnh mục tiêu sang nhà ở xã hội theo quy định. Dự án ký túc xá ở Chí Linh có quy mô 2 khối nhà, tạm dừng thi công từ tháng 4/2014,  hiện địa phương đang đề xuất Chính phủ cho phép bổ sung vốn ngân sách Trung ương để hoàn thiện dự án. Đúng là hiện nay hai dự án này cái dự án này đang còn dang dở".

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ Xây dựng, bên cạnh việc đánh giá được những ưu điểm nổi bật, cách làm hiệu quả, cần chỉ rõ những khuyết điểm tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phân tích rõ các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan từ góc nhìn chiến lược quản lý nhà nước của Bộ.

Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG: “Đề nghị các đồng chí làm rõ thêm nguyên nhân chính sách pháp luật bất cập, phải chăng do dự báo chiến lược của chúng ta còn hạn chế, do đánh giá tác động không đầy đủ? Do ban hành thiếu, chậm, chưa đồng bộ định mức, chế độ, tiêu chuẩn cả Trung ương và địa phương. Điều này không chỉ gây lãng phí mà còn gây khó khăn cho dưới, có nghĩa là Trung ương có những cái mà địa phương chờ, chờ Trung ương ban hành và các Bộ ngành ban hành thì mới đủ cơ sở làm.

Về hoàn thiện chính sách pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Xây dựng cần đề xuất cụ thể, nhất là đối với Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, các luật chuyên ngành như: Luật Xây dựng, Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, các quy định về Cấp thoát nước, Quy hoạch không gian ngầm.

Khắc Phục