Lãng phí niềm tin của nhân dân nếu “sợi dây kinh nghiệm cứ dài vô tận”

Với những tồn tại, hạn chế nhiều năm không được khắc phục, với chiều dài vô tận của "sợi dây rút kinh nghiệm", sẽ lãng phí niềm tin của nhân dân, và cộng đồng doanh nghiệp, những người đang chắt chiu từng đồng thuế để trả lương cho bộ máy của chúng ta. Đây là ý kiến đáng chú ý trong phiên làm việc chiều nay của Quốc hội về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.

Theo đó, nhiều câu hỏi đã được đặt ra: tình trạng chậm, nợ đọng văn bản hướng dẫn thực hiện, cải cách hành chính chưa hiệu quả đã gây lãng phí thời gian, cơ hội, nguồn lực cho người dân, doanh nghiệp và đất nước là bao nhiêu?

Hệ thống pháp luật đồng bộ, hoàn chỉnh, cùng với đó là hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, chế độ, định mức là cơ sở quan trọng nhất để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần báo cáo, đánh giá rõ về những lãng phí xuất phát từ việc ban hành những quy định pháp luật không kịp thời, chưa đầy đủ. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới lãng phí, thậm chí tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng ngân sách đầu tư công.

Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân cho biết cử tri Bình Dương kiến nghị Quốc hội, Chính phủ lấy kết quả hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật làm căn cứ để đánh giá hiệu quả của các Bộ, ngành trung ương hàng năm và căn cứ để lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6. Bởi đây là nhiệm vụ đột phá do Đảng đề ra nhưng hằng năm vẫn chậm, và liệu rằng có phải kỷ luật, kỷ cương trong hoàn thiện thể chế, chính sách chưa nghiêm.

Còn theo đại biểu Trần Văn Khải, đoàn Hà Nam, năm 2022, còn nổi lên tình trạng lãng phí từ cải cách hành chính chưa hiệu quả. Dẫn chứng kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp VCCI cho thấy 20% các địa phương đình trệ trong giải quyết công việc, các sở ngành có xu hướng không làm gì trong năm 2022. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư đã nói, thông qua các văn bản của các bộ, ngành, các địa phương đã phát sinh ra hàng ngàn thủ tục mới.

Lấy ví dụ về hàng chục dự án năng lượng tái tạo điện gió và mặt trời chuyển tiếp không được huy động, nằm phơi sương gió, đại biểu Nguyễn Văn Hiển, đoàn Lâm Đồng cho rằng hàng tỷ USD đầu tư của doanh nghiệp tư nhân nằm bất động là sự lãng phí lớn của nền kinh tế đất nước. Với thực trạng thay đổi chính sách đột ngột như hiện nay, đặc biệt là các chính sách trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đang dẫn tới sự lãng phí nguồn lực rất lớn của khu vực tư nhân.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam