Lãng phí gây ra từ quy hoạch treo "kìm hãm sự phát triển của đất nước"

Lãng phí còn nguy hại hơn cả tham ô, tham nhũng và rất khó để đo đếm, lãng phí giống như một căn bệnh nguy hiểm. Đây là nhận định được đại biểu Quốc hội đưa ra tại phiên thảo luận chiều 2/6 về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. Trong đó, tình trạng lãng phí đất đai và quy hoạch treo được nhiều đại biểu đề cập, coi đó như một vấn nạn nhức nhối, bào mòn sự phát triển của đất nước

 Nhắc lại khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “tham ô là trộm cướp, lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả tai hại hơn tham ô”, một số đại biểu cho rằng, tình trạng lãng phí đất đai với biểu hiện muôn mặt trong thời gian dài, được nói đến rất nhiều nhưng chuyển biến chậm và dường như còn biểu hiện phức tạp, tăng về tính chất và quy mô.

Bà HOÀNG THỊ THANH THUÝ - Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh:Tình trạng lãng phí đất đai, dự án treo, làm thất thoát nguồn lực quốc gia, là nguyên nhân làm suy yếu nguồn lực, kìm hãm sự phát triển của đất nước, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân”.

Một số đại biểu bày tỏ bất bình trước tình trạng quy hoạch treo diễn ra hàng chục năm qua. Đây là vấn đề đã cũ nhưng mãi vẫn không giải quyết được. Thậm chí, các cấp chính quyền địa phương đều thừa nhận sự lãng phí nghiêm trọng do các quy hoạch treo gây ra. Điều đáng nói, mặc dù chính quyền nắm được vấn đề này còn người dân thì bức xúc trong cảnh sống bần cùng nhưng những quy hoạch treo hàng chục năm trời vẫn trơ lì như bất chấp.

Ông NGUYỄN QUỐC HẬN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: “Ông bà ta có câu ”tấc đất, tấc vàng", nhiều dự án treo đất bỏ hoang, trong hàng tỷ tấc đất chúng ta đã lãng phí bao nhiêu tấc vàng, và trong hàng ngàn ha đất bỏ hoang, bỏ không do chưa triển khai được quy hoạch thì có hàng ngàn, hàng chục ngàn hộ gia đình không có đất để ở, phải ở tạm gầm cầu ven sông".

Các đại biểu cho rằng, là một nước nông nghiệp, do đó, đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng. Đất đai để hoang hoá, không đưa vào sử dụng, sẽ không tạo ra của cải, vật chất, công trình chậm giải phóng mặt bằng dẫn đến chậm tiến độ, đội vốn. Do đó, đại biểu đề nghị cần quyết liệt hơn trong công tác phòng, chống lãng phí.

Ông NGUYỄN TẠO - Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Chính sách pháp luật đất đai còn nhiều bất cập, trong đó có vấn về thị trường BĐS, xác định giá trị quyền sử dụng đất, Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch về đất đai, tình trạng tách thửa, phân lô, bán nền, đầu cơ đất đai không đưa đất vào sử dụng đúng mục đích không được xử lý kịp thời chưa tạo ra động lực để đưa đất nông nghiệp vào sử dụng, gây lãng phí nguồn lực đất đai”. 

Ông NGÔ TRUNG THÀNH - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk:Đối với công tác giải phóng mặt bằng cho công trình dự án làm thế nào để giải phóng mặt bằng đúng hoặc vượt tiến độ, cho dù có thể ban đầu tốn kém hơn, nhưng kết quả không bị kéo dài, chậm tiến độ, đội vốn. Đối với các Dự án tồn đọng, kém hiệu quả do sai phạm buộc phải giải quyết nhưng nếu không giải quyết sớm thì thiệt hại sẽ càng lớn hơn, lãng phí chồng lãng phí”.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề cập đến lãng phí tài nguyên rừng đã và đang vô cùng phức tạp, đến nay chưa có một cơ chế chính sách về kinh tế rừng tương ứng để bảo vệ môi trường và sinh thái rừng. Đối với đất đai nông lâm trường, nhiều trường hợp không hiệu quả, buông lỏng quản lý nhưng việc xử lý để phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai còn chậm, trong khi người dân thiếu đất sản xuất. Đây là những việc phải làm, nếu làm sớm được thì không những tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả mà còn tạo thêm của cải cho xã hội./.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam