Làm thêm 60 giờ thay vì 72 giờ: Không đánh đổi sức khoẻ và sinh mạng lấy tăng trưởng

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết trong suốt quá trình chuẩn bị, thảo luận về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa nhận được đề xuất, lý luận thuyết phục nào của hiệp hội, doanh nghiệp về việc tăng thời giờ làm thêm lên không quá 72 giờ.

Báo cáo thêm tại phiên làm việc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung một lần nữa nhấn mạnh việc đề xuất nâng giờ làm thêm căn cứ nhu cầu của người lao động và doanh nghiệp. Do vậy Bộ tiếp tục đề xuất làm thêm giờ trong 1 tháng là 72 giờ.

Ông ĐÀO NGỌC DUNG - Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội: “Khảo sát của chúng tôi cho thấy rằng tất cả các doanh nghiệp đều đồng tình theo hướng đó, phần đa như thế. Vấn đề này xuất phát từ yêu cầu khách quan. Chúng tôi đã lấy ý kiến tất cả các hiệp hội, các doanh nghiệp lớn”.

PHẠM TẤN CÔNG: Chủ tịch Liên đoàn Thương mại Công nghiệp Việt Nam: “Thực tế tháng 3 rồi là nhu cầu lao động cực kỳ căng thẳng. Số lượng lao động nhiễm có ngày lên tới hơn 400 nghìn ca. Do đó, ảnh hưởng rất là lớn. Tôi đề nghị là khi chúng ta nâng số giờ (lao động) lên thì cần có một trần linh hoạt trong ứng phó với covid-19, đề phòng những trường hợp khi dịch bùng phát thì chúng ta còn có room, có trần để sử dụng. Chúng ta để trần thấp quá, thì chúng ta sẽ vô cùng căng thẳng, không thể ứng phó được. Do đó, chúng tôi đồng thuận với ý kiến của Bộ Lao động là mức 72 giờ và mức 60 giờ sẽ rất bó".

Về vấn đề này Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết trong suốt quá trình chuẩn bị, thảo luận về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa nhận được đề xuất, lý luận thuyết phục nào của hiệp hội, doanh nghiệp về việc tăng thời giờ làm thêm lên không quá 72 giờ. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bên cần đưa ra những lập luận cụ thế, bằng chứng xác đáng với đề xuất của mình.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Không có một đề xuất nào của hiệp hội và có lý luận thuyết phục nêu tăng giờ lên như vậy cả. Thứ hai nữa là chúng tôi muốn hỏi thêm, các đồng chí nói là khảo sát như vậy: bao nhiêu đơn hàng làm không kịp, là những doanh nghiệp nào? Tổng số lao động bây giờ so với trước dịch, đã thu hút được bao nhiêu? Số lượng đơn hàng như thế nào? Thứ ba nữa, một vấn đề hết sức quan trọng, như Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ và Tổng Liên đoàn Lao động đã có ý kiến, chưa kể là chỗ Y tế nữa, là bây giờ tình trạng hậu covid-19, sức khỏe cũng rất khó khăn. Không đơn giản là ai cũng có thể xông vào làm thêm giờ. Quyền này là quyền của Quốc hội. Chuyện giờ giấc lao động này là của Quốc hội. Nghị quyết 30 là ủy quyền cho Thường vụ thôi. Cho nên, Thường vụ phải hết sức cân nhắc về chuyện này. Chúng ta xây dựng một quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Có hẳn một chỉ thị của Ban bí thư nói về chuyện này. Bộ Luật lao động của chúng ta cũng vậy. Cho nên mà chúng ta đánh giá không đầy đủ, không thuyết phục, một quyết sách như thế này không chỉ là liên quan tới vấn đề lao động, vấn đề sản xuất, vấn đề việc làm (mà còn) vấn đề sức khỏe, vấn đề chính trị và nhiều vấn đề khác nữa". 

Một số đại biểu cũng cho rằng dịch Covid-19 là cơ hội chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nếu tăng giờ làm thêm thì sẽ không còn “ thời giờ” để áp dụng tăng trưởng, đồng nghĩa với việc cứ tăng thời gian lao động thì không thể nói chuyện “ tăng năng suất”. Ngoài ra không thể đánh đổi sức khoẻ và sinh mạng của người dân để đổi lấy tăng trưởng. Do vậy theo đại biểu, tăng thời gian làm thêm 1 tháng không quá 60 giờ là phù hợp.

Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG: Các đồng chí bảo thời gian chỉ trong 1 năm thôi và không phải trong năm đó tháng nào cũng làm và không phải trong tháng đó ngày nào cũng làm. Nhưng mà khoa học trong Bộ Luật lao động là, người ta đã quy định giờ làm thêm cho từng ngày cơ mà, cho từng tuần, cho từng tháng, cho từng năm là có cơ sở khoa học của nó. Mình không thể nhập nhèm rằng tôi đã qui định ngày rồi thì không qui định theo tuần, tháng, năm. Không phải. Nếu như thế thì ta lại đánh bùn sang ao là không được. Tôi đề nghị là cái việc tăng (giờ làm thêm) lên 72 giờ còn phải tính toán. Đó còn có ý nghĩa chính trị, ý nghĩa xã hội. Tôi tán thành ý kiến phân tích của đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội. Và tôi đồng tình với phương án (làm thêm) 60 giờ là phù hợp trong điều kiện hiện nay”.

Bà NGUYỄN THỊ MINH HƯƠNG: Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam: "Làm thêm tăng ở mức tối đa lên 72 giờ thì sẽ tạo thêm gánh nặng công việc, tất nhiên là họ sẽ được hưởng lương trong thời gian đó, nhưng rõ ràng về khả năng, về sức lao động, thời gian tái tạo sức lao động là sẽ bị giảm xuống. Chính vì vậy Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề xuất là theo phương án (làm thêm) 60 giờ trong một tháng".

Sau khi thảo luận, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết với 100% thành viên tán thành. 

Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao sự tích cực của Ủy ban Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan tham gia quá trình tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, trong một thời gian ngắn đã tổ chức nghiên cứu và phối hợp rất chặt chẽ, hiệu quả. Đồng thời Giao Ủy ban Xã hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật và các cơ quan có liên quan rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình ký chứng thực; trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

Diệu Huyền