Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Làm rõ chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu, tránh chồng chéo, trùng lặp

Cho ý kiến về sửa đổi chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu tại Phiên họp thứ 8, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần tiếp tục rà soát, chỉnh lý quy định để xác định rõ hơn vai trò của Ban Công tác đại biểu, cũng như thẩm quyền của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong một số nhiệm vụ hiện vẫn còn có sự chồng lấn giữa các cơ quan của Quốc hội.

Về nội dung Ban Công tác đại biểu phối hợp với Ủy ban Tư pháp tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc cho ý kiến đối với việc bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội, khám xét nơi ở, nơi làm việc của đại biểu Quốc hội, đa số thành viên Uỷ ban Thường vụ tán thành việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn này của Ban Công tác đại biểu.Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát, chỉnh lý lại quy định để xác định rõ hơn mức độ vai trò của Ban Công tác đại biểu và Ủy ban Tư pháp trong thực hiện nhiệm vụ này.

Bà LÊ THỊ NGA, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư Pháp của Quốc hội: “1, điểm D khoản 2 điều 2 về chủ trì tham mưu giúp, bắt giam giữ. Ở đây quy định Ban Công tác đại biểu chủ trì, trong cái này có nhiệm vụ của Ủy ban Tư pháp, nếu Ban Công tác chủ trì có liên quan đến Ban công tác đại biểu có phải là người tham gia thẩm tra. Người chủ trì không trình báo cáo thẩm tra người phối hợp laị trình bày báo cáo thẩm tra. Chúng tôi đề nghị cân nhắc việc này.”

Bà NGUYỄN THUÝ ANH,Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội: “Chức năng của Ban Công tác đại biểu có phải chẳng cần chức năng bảo vệ Đại biểu Quốc hội. Có nghĩa bảo vệ những quyền của Đại biểu Quốc hội. Cái bắt giam truy xét thì Ủy ban Tư pháp phải thẩm tra xem quy trình thủ tục có đúng không và có phù hợp với quy định của pháp luật không nên cần phải làm rõ hơn vai trò của Ban Công tác đại biểu trong việc này"

Một số thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Ban Công tác đại biểu cũng như của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong một số nhiệm vụ hiện vẫn còn có sự chồng lấn giữa các cơ quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG: “Chủ trì hoặc phối hợp tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về lĩnh vực A, lĩnh vực B, lĩnh vực C trên chính nhóm đó. Sau đó các chi tiết nhỏ a,b,c đó các đồng chí không thể dùng là giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nữa mà chỉ nói nội dung. Cái nào chủ trì thì đề là chủ trì tham mưu về vấn đề đó. Cái nào phối hợp, tham mưu thì ghi phối hợp, tham mưu và liệt kê đầy đủ ở từng nhiệm vụ đó cho hết nhiệm vụ”.

Bên cạnh đó một số đại biểu cũng đề nghị cần cụ thể hoá vai trò, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu trong hoạt động của Hội đồng nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Công tác hội đồng nhân dân, định nghĩa bao gồm những việc gì và ai là đấu mối giúp giám sát chức năng này cái việc hướng dẫn và giám sát. Còn nói về công tác nhân sự của Chủ tịch Hội đồng Nhân dân những vấn đề về phê chuẩn … thì đương nhiên là Ban Công tác đại biểu sẽ tham mưu. Nhưng có phải tất các đầu mối Hội đồng Nhân dân là ban công tác đại biểu hay không thì trong chỗ này chúng ta cũng chưa thảo luận, Thường vụ Quốc hội có chức năng hướng dẫn và giám sát, thế nào là hướng dẫn thế nào là giám sát cái này mình đã xác nhận chưa? Hay phải có văn bản của Thường vụ Quốc hội về giám sát của Hội đồng Nhân dân."

Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: “Công tác bầu Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tức là không nói ra thì thiếu nhưng mà nếu nói thuộc thẩm quyền của Thường vụ Quốc hội thì lại thừa cho nên thêm mấy chữ là theo phân công của Thường vụ Quốc hội. Phân công như thế nào thì phân công theo nhiệm vụ ở dưới. Ví dụ Công tác bầu cử, Công tác Hội đồng Nhân dân thì Ban chỉ là một phần thôi không phải tất cả”

Các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến với một số thẩm quyền, chức năng cụ thể của Ban Công tác đại biểu; việc phối hợp với các cơ quan của Quốc hội trong việc báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định số lượng, phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội…