Làm rõ trách nhiệm, hiệu quả tiếp công dân của người đứng đầu

Sáng 31/03 Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Thanh tra Chính phủ về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021”.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương - Trưởng đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Thanh tra Chính phủ cần tiếp tục bổ sung báo cáo, làm rõ số liệu, chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm và kiến nghị cụ thể để hoàn thiện pháp luật, trong đó có vai trò của người đứng đầu.

Theo Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn báo cáo, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Tố cáo năm 2018; ban hành 4 Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Tuy nhiên, việc ban hành Nghị định 31/2019 quy định chi tiết 1 số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo chậm so với thời điểm có hiệu lực của Luật. So với giai đoạn 2011-2016, số lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước các cấp để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng 67,6%; số lượt đoàn đông người tăng 9,2% nhưng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nhà nước giảm 16,1%. Trong giai đoạn báo cáo, có 3.655 vụ việc công dân khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính ra Tòa án, chiếm tỷ lệ rất thấp.

Các thành viên Đoàn giám sát đề nghị Thanh tra Chính phủ làm rõ nguyên nhân xảy ra các vụ khiếu nại đông người và hướng giải quyết; chỉ rõ các địa phương chưa tích cực giải quyết vụ việc tồn đọng kéo dài, trách nhiệm trong vấn đề này. Đề nghị thông tin cụ thể hơn về chất lượng, chế độ đối với đội ngũ cán bộ tiếp dân; nguyên nhân tỷ lệ người dân khởi kiện ra Tòa hành chính thấp; tình trạng đã có Kết luận về vụ việc nhưng người dân vẫn không chấp nhận, tiếp tục khiếu nại, tố cáo; đồng thời chỉ rõ những vướng mắc cụ thể về chính sách pháp luật và tổ chức thực hiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm tại buổi làm việc cũng như Báo cáo của Thanh tra Chính phủ. Nhấn mạnh, giám sát chuyên đề này là nội dung rất quan trọng, được Chủ tịch Quốc hội rất quan tâm, Trưởng đoàn giám sát đề nghị Thanh tra Chính phủ cần tiếp thu tối đa các ý kiến, tiếp tục hoàn thiện, gửi báo cáo bổ sung cho Đoàn giám sát, trong đó đặc biệt lưu ý số liệu phải “có hồn” để làm căn cứ cho nhận định đánh giá.

Thượng tướng TRÂN QUANG PHƯƠNG, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn Giám sát: "Giám sát của Quốc hôi, UBTVQH, đó là giám sát tối cao ở tầm vĩ mô về chính trị về quản lý đất nước, quản trị xã hội nên việc đánh giá, nguyên nhân kể cả kinh nghiệm giám sát cần tuân thủ theo tôn chỉ này, kể cả kiến nghị cũng tầm vĩ mô cả về sửa luật, văn bản dưới luật và tổ chức thực hiện. Với mỗi địa phương tối đa 5 vụ việc cụ thể, kiến nghị sửa cái gì nhưng cũng chỉ ra những vấn đề cụ thể để kiến nghị, tạo cú hích.

Trên tinh thần đó, Trưởng đoàn giám sát đề nghị Thanh tra Chính phủ báo cáo đánh giá rõ hơn việc chậm hướng dẫn và tham mưu ban hành văn bản hướng dẫn so với thực tiễn, trong đó làm rõ trách nhiệm, hiệu quả tiếp công dân của người đứng đầu.

Thượng tướng TRÂN QUANG PHƯƠNG, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn Giám sát: “Hiểu như thế nào về người đứng đầu trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và sửa cái gì. Chỉ cần 1 chữ thôi, trách nhiệm người đứng đầu tiếp công dân khác hoàn toàn với người đứng đầu trực tiêp tiếp công dân, cho nên tôi đề nghị phải suy nghĩ để kiến nghị, rồi phân biệt tiếp công dân với đối thoại với chủ trì giải quyết khiếu nại, tố cáo.”

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Thanh tra Chính phủ báo cáo cụ thể hơn những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân chủ quan; nêu rõ địa chỉ, dẫn chứng, trách nhiệm cá nhân, tập thể; bổ sung làm rõ hiệu quả thanh tra, kiểm tra công vụ và trách nhiệm trong công tác này. Bổ sung làm rõ hơn các giải pháp, kiến nghị cả về thể chế, quy định pháp luật. Đối với các vụ việc phức tạp, kéo dài, tồn đọng, đông người, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phân loại cụ thể theo từng cấp, đồng thời lập danh sách để giám sát, theo dõi.

Quang Sỹ