Chiều 30/03, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với việc cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Theo Tờ trình, việc cho phép Chính phủ quy định sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản sẽ giúp phát hiện nhanh hành vi vi phạm trong lĩnh vực này; cung cấp bằng chứng, chứng cứ để tiến hành xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, thúc đẩy triển khai các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chống khai thác IUU).
Cơ bản tán thành sự cần thiết phải có quy định về việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản trong Nghị định thay thế Nghị định số 42 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lưu ý, tại Luật Thủy sản năm 2017 quy định hoạt động thủy sản bao gồm các hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản, chế biến, mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản. Như vậy, nếu quy định sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong “lĩnh vực thủy sản” như đề xuất tại Tờ trình của Chính phủ là rất rộng, cần phải đánh giá kỹ về tác động, cũng như điều kiện bảo đảm thi hành.
Một số ý kiến lưu ý, khi xác định các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thì phải đi đôi với quy định về cơ quan, đơn vị có thẩm quyền để có thể xác định áp dụng. Do vậy, Chính phủ cần sớm báo cáo phương án sửa đổi luật, nghị định liên quan để tạo điều kiện sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nuôi trồng thủy sản.